Tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích làm rõ hơn vai trò của vắc xin – một vũ khí chiến lược quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Khách mời tọa đàm gồm có: GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và TS Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, GS, TS Phan Trọng Lân cho biết: Theo WHO, biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Ở Việt Nam, nhờ sự nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương nên đến tháng 12-2021, thậm chí đến tháng 2-2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này đã giảm.
Quang cảnh buổi tọa đàm: Ảnh: Quang Thương.
Cũng theo GS, TS Phan Trọng Lân, những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng. Thực tế có người dân băn khoăn khi họ mắc BA.2 thì rất nhẹ nhưng khi tiêm vắc xin lại lo lắng vì bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch khó dự đoán thì chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vắc xin. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập thì người dân sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn.
Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em trong thời điểm hiện nay, PGS, TS Trần Minh Điển cho biết: Việt Nam đã qua đỉnh dịch được 3 đến 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Trong những tháng hè, các gia đình thường đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để vui chơi và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó, trẻ rất dễ mắc Covid-19 và với tỷ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.
Do đó, theo PGS, TS Trần Minh Điển, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tư vấn các bác sĩ để chúng ta có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ. Với việc tiêm này, Chính phủ đã dành những vắc xin tốt nhất, an toàn nhất cho các cháu.
Tại buổi tọa đàm, TS Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gen hoặc các biến chủng mới.
“Các biện pháp chúng ta đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới, nhưng chúng ta cũng có những công cụ để phát hiện và kiểm soát. Đó chính là vắc xin. Việt Nam đã tiêm chủng được với tỷ lệ rất cao. Vắc xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. Đó cũng chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường”, TS Socorro Escalante nhấn mạnh.
NHẬT MINH