Trang Chủ > Sức khỏe > Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị suy thận

Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị suy thận

Zingnews
09/08/2022 08:54:29

Chị Lê Thị Lan (39 tuổi, trú tại TP.HCM) tìm vào bệnh viện khám vì người hay mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, đặc biệt vùng chân phù, mắt cũng sưng, đi tiểu nhiều.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị tiểu ra đạm và không được điều trị kịp thời dẫn tới suy thận độ 2. Chị Lan hoang mang vì căn bệnh “lạ”, chưa nghe thấy bao giờ. Thủ phạm gây nên bệnh này là tăng huyết áp.

Huyết áp cao “tàn phá” cơ thể bạn như thế nào?

Ở thời điểm khám cho chị Lan, bác sĩ thấy huyết áp của chị ở mức rất cao, huyết áp tâm trương lên tới 180 mmhg. Bà mẹ hai con cho biết nhiều năm liền không đo huyết áp nên không biết mình bị bệnh này từ bao giờ.

Công việc của chị Lan làm thợ cắt tóc nên rất bận. Hầu như ngày nào chị cũng ăn sáng lúc 10h, ăn trưa vào 15h và bữa tối 22h. Chị ăn uống thất thường, đều mua đồ ăn sẵn về ăn, không bao giờ có thời gian đi tập thể dục.

GS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trước đây, những người dưới 65 tuổi bị tăng huyết áp rất hiếm nhưng hiện tại trường hợp đến khám chiếm 40%.

Ba tình huống bác sĩ hay gặp bệnh nhân tới khám đó là biết bị tăng huyết áp từ lâu nhưng không được điều trị tốt. Nhóm thứ hai là phát hiện tình cờ đến khám hoặc kiểm tra sức khoẻ đo huyết áp thấy tăng. Nhóm thứ ba đến vì các biến chứng suy tim, nhồi máu cơ tim đến đo huyết áp tăng vọt.

Theo GS Bình, huyết áp tăng ảnh hưởng toàn bộ cơ thể và đặc biệt là tim, não, thận, động mạch ngoại biên, mắt. Cụ thể:

Ở tim, tăng huyết áp làm phì đại mạch máu gây suy tim, người bệnh khó thở triền miên không thể làm việc được, nhồi máu cơ tim thì 15% bệnh nhân sẽ tử vong.

Ở não, tăng huyết áp gây đột quỵ bao gồm cả nhồi máu não, xuất huyết não tỷ lệ tử vong cao, sống được cũng di chứng nặng nề.

Ở thận, người tăng huyết áp bị đi tiểu ra đạm và dẫn tới suy thận phải lọc thận. Người bệnh phải sống bằng lọc máu chu kỳ, khó lao động, ảnh hưởng tới cả kinh tế gia đình.

Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị suy thận-1

Bệnh nhân tới khám tại BV Đại học Y Dược TP.HCM.

Ở mắt, bệnh nhân xuất huyết đáy mắt, gây mờ mắt.

Ở động mạch ngoại biên gây xơ vỡ mạch chi, gây thiếu máu chi, thậm chí hoại tử chi, bệnh nhân phải đoạn chi.

Trong khi đó, 80-90% bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng chỉ đến khi có biến chứng xảy ra mới biết như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim. 20% số người còn lại có thể gặp các triệu chứng như nhức đầu vào sáng khi ngủ dậy, đánh trống ngực, ruồi bay qua mắt…, các triệu chứng này rất thoáng qua.

Chính vì vậy, tăng huyết áp được ví như kẻ giết người thầm lặng. GS Bình cho rằng không nên chờ có triệu chứng mới chẩn đoán tăng huyết áp mà bạn nên tự kiểm tra sức khoẻ của mình. Bạn có thể tạo ra “tháng đo huyết áp” để nhắc nhở việc đo huyết áp của mình. Bạn cần nhớ chỉ số huyết áp như tuổi của mình.

Nếu đo huyết áp tại nhà chỉ số huyết áp là 135/85 mmhg được coi là tăng huyết áp. Đo tại bệnh viện chỉ số là 140/90 mmhg.

Khi tăng huyết áp không được khống chế, bệnh nhân có thể bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Người trẻ bệnh ít triệu chứng hơn. Người trẻ chủ quan với sức khoẻ của mình, ít kiểm tra, không thấy triệu chứng là không điều trị để huyết áp tăng lên quá mức, kéo dài dẫn tới biến cố tim mạch tăng lên nhiều hơn.

"Đặc biệt, người trẻ bị tăng huyết áp hay do nguyên nhân bệnh lý nào đó nên họ dễ gặp biến chứng hơn người già nhất là người dưới 35 tuổi", GS Bình cho biết.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 50% bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện và chỉ một nửa trong số họ được điều trị ổn định.

Nguyên nhân tăng huyết áp

Tình trạng trẻ hoá bệnh nhân tăng huyết áp do chế độ ăn nhiều muối, thích ăn thức ăn công nghiệp, tiền sử gia đình, sống ở thành thị, lối sống tĩnh tại, ít vận động cũng làm gia tăng tăng huyết áp.

Ngoài ra, thừa cân béo phì, uống nhiều rượu bia, lo âu, căng thẳng cũng làm gia tăng tình trạng tăng huyết áp.

Các yếu tố này giới trẻ đang gặp phải rất nhiều. GS Bình khuyến cáo, đặc biệt là thói quen ăn mặn rất nguy hiểm. Muối được hấp thu vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, muối thấm vào thành mạch làm co mạch và khi đó làm tăng huyết áp.

Nếu căng thẳng, lo âu trong công việc làm não tiết chất co mạch, làm thành mạch nhạy cảm hơn lâu ngày gây tăng huyết áp.

Nếu lười vận động, sống quá tĩnh tại, thành mạch sẽ bị vôi hoá làm tình trạng tăng huyết áp đến nhanh hơn.

Sự thật nguy hiểm khi uống nước tăng lực quá nhiều

Nước tăng lực có thể mang đến một số lợi ích nhất định như giảm mệt mỏi và cải thiện hiệu suất nhưng chúng gây ra nhiều vấn sức khỏe tiêu cực khi tiêu thụ quá nhiều.