ThS. BS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai (ảnh: P.C)
Dấu hiệu người bệnh cần nhập viện
Liên quan đến số ca mắc cúm A đang gia tăng, ThS. BS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai chia sẻ thông tin, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính qua đường hô hấp. Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh cảm cúm thông thường khác như: sốt, chảy nước mũi viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng
Ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao hơn 39-40 o C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc.
Tuy nhiên, theo BS, Kiên, "Chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng vì hầu hết bệnh nhân cúm A đều tự khỏi sau 1-2 tuần. Có điều chúng ta lưu ý đối tượng nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi hay trẻ em, người già trên 45 tuổi-nhất là người mắc bệnh nền để có thể nắm bắt kịp thời diễn biến bệnh".
Theo BS. Kiên, đa số những người mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.
"Khi người bệnh có biểu hiện sốt cao trên 38 độ kèm theo chảy mũi, ho, đau người, đau đầu, khó thở, tức ngực thì bắt buộc đến cơ sở y tế để khám chứ không tự ý dùng thuốc tại nhà mà không có tham khảo của người nắm chuyên môn. Mọi người dân không nên tự ý đi mua thuốc như diệt virus Tamilflu uống vì phải có chỉ định của bác sỹ, thời điểm uống quan trọng, muộn quá cũng không có tác dụng", BS. Kiên nhấn mạnh.
Còn theo BS. Lê Văn Thiệu, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp-BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đối với các trường hợp cúm thường biểu hiện sốt cao liên tục kèm theo đau mỏi người, đau đầu, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như paracetamol 500mg, liều lượng tính theo cân nặng, vừa có tác dụng giảm đau vừa hạ sốt. Lưu ý với người bệnh là phụ nữ mamg thai hoặc cho con bú chỉ nên dùng dạng dược chất là paracetamol đơn chất, không nên có các phụ gia thêm như codein.
Trước thực tế gia tăng bệnh cúm A, nhiều gia đình lo ngại thiếu thuốc nên đã tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng, BS. Thiệu cho rằng điều này là không cần thiết. Dù tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm nếu đúng chỉ định và cũng như các thuốc khác thuốc nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả và có thể đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc...
Cúm A có triệu chứng ban đầu giống các loại cúm thông thường nhưng sốt cao hơn (ảnh minh hoạ-P.C)
Những biến chứng do cúm A gây ra
Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính.
Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp bệnh cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.
Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm A là gây nên phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.
Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên không gây quái thai.
Vì vậy, nếu thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.
Để phòng bệnh cúm cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang. Đặc biệt người nghi là bị cúm hoặc đã xác định mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang khi có tiếp xúc với người khác hoặc lúc ra khỏi nhà. Đồng thời, phòng bằng cách tiêm phòng cúm theo định kỳ 6 tháng đến 1 năm. Việc tiêm vắc-xin giúp giảm nguy cơ mắc cúm theo từng năm. Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng, đặc biệt cho trẻ em thông qua việc ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất... theo lứa tuổi và uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Người lớn và người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng. |
Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A
Hà Nội: Nhiều bệnh nhân nhập viện do căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ngang Covid-19
Hà Nội: Gia tăng bất thường bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện
Phong Châu