Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận N.T.H (sinh năm 1985, trú tại Thanh Sơn - Uông Bí) đến khám vì đi ngoài ra máu. Vài tháng trước, chị H xuất hiện khối sa lồi hậu môn khi đi đại tiện, nghĩ là bị trĩ nên chủ quan không đi khám, chỉ khi thấy dấu hiệu nặng hơn mới đi khám.
Chị H được bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi trực tràng để tìm nguyên nhân. Khi nội soi bác sĩ phát hiện ngay sát rìa hậu môn có tổn thương là polyp kích thước gần 1,5 cm, cuống lớn, bề mặt đang rỉ máu. Bác sĩ bấm sinh thiết một vài vị trí của tổn thương để làm giải phẫu bệnh, kết quả tổn thương tiền ung thư. Can thiệp cắt polyp gửi làm xét nghiệm mô bệnh học, cho thấy chị bị ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa, chân diện cắt không còn u.
Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K Hà Nội.
Theo TS Phạm Văn Bình - Phó giám đốc Bệnh viện K trung ương, trước đây người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện K, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 người mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt có bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi 12,13 tuổi….
Ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như các nước đang phát triển tăng nhanh do liên quan đến lối sống, chế độ ăn. Người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, trong đó béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác.
Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu người bệnh không được bỏ qua. Thứ nhất, rối loạn tiêu hoá, ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn. Nếu bạn đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần thì cần chú ý theo dõi.
Thứ hai, đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt, người bệnh có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.
Thứ ba, đi ngoài ra máu, đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân, khối u trong lòng ruột gây chảy máu.
Thứ tư, các dấu hiệu toàn thân như bạn giảm cân bất thường, mệt mỏi. Hầu hết các trường hợp mắc ung thư đều có dấu hiệu giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức.
Thấy những dấu hiệu trên, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa y tế để thăm khám và được tư vấn, điều trị kịp thời. Việc khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
Bạn nên bắt đầu quá trình sàng lọc sớm hoặc sàng lọc với tần suất thường xuyên hơn nếu có yếu tố như tiền sử mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp lành tính, tiền sử mắc viêm đại tràng mãn tính, tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp, tiền sử gia đình mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền.
Ngọc Hà