Ngày 1/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 35.125 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết , tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 8.171 ca, trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 568 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tính đến tuần 30 là 1.6% tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5%.
Tính riêng tuần từ ngày 22/7 đến 28/7, TP.HCM ghi nhận 3.025 ca bệnh sốt xuất huyết , giảm 162 ca (5,1%) so với trung bình 4 tuần trước, số ca khám ngoại trú tăng 4,8% nhưng số ca nhập viện điều trị nội trú giảm 14%. Trong tuần ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Quận 7 và huyện Củ Chi. Như vậy, cùng với việc bổ sung thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết trong tuần 29 tại Quận 8, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Bệnh nhân sốc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Theo HCDC, trong tuần 30 có 11/22 quận huyện có số ca bệnh sốt xuất huyết trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước. Đó là các quận: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 12, Nhà Bè, Phú Nhuận và Thành phố Thủ Đức. Không ghi nhận quận huyện có số ca bệnh tăng ở mức vượt ngưỡng báo động so với trung bình 4 tuần trước.
Cũng trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 199 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 101 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức và giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 29 (209). Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 409 ổ dịch và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 495 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 182 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.
Về tình hình dịch tay chân miệng , trong tuần qua, toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng mới. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 30 năm 2022 là 66 ổ dịch. Hiện thành phố ghi nhận 10.920 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Bị sốt xuất huyết có nên truyền dịch?
SKĐS - Nhiều người khi mắc sốt xuất huyết cảm thấy mệt mỏi, rã rời, sốt cao, đi đứng không vững và không thể ăn uống... nên tự ý truyền dịch với hy vọng bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có người bệnh sau truyền dịch bị tử vong.