Trang Chủ > Sức khỏe > 'Trên bảo dưới không nghe', đi khám ngã ngửa thủ phạm là căn bệnh triệu người mắc

'Trên bảo dưới không nghe', đi khám ngã ngửa thủ phạm là căn bệnh triệu người mắc

Tiin
06/07/2022 12:46:29

Thủ phạm bất ngờ

Tìm tới bác sĩ khám vì chứng 'trên bảo dưới không nghe', anh Nguyễn Ngọc K., TP.HCM bất ngờ với kết quả đái tháo đường tuyp 2. Anh K. cho biết khoảng 1 năm nay anh nhận thấy chuyện chăn gối của mình giảm sút. Dù anh còn ham muốn nhưng luôn rơi vào cảnh 'trên bảo dưới không nghe'.

Ban đầu anh K. còn nghĩ do áp lực công việc, dịch bệnh nên chủ quan không đi khám. Sang năm 2022, sức khoẻ bắt đầu giảm sút. Anh K. thấy mình uống nước nhiều, đi tiểu nhiều hơn. Còn chuyện chăn gối rơi vào bế tắc. Mỗi lần gần gũi vợ, anh cố gắng thì 'cậu nhỏ' vẫn ỉu xìu như dọc mùng phơi nắng.

Buồn bực, anh K. tìm tới bác sĩ nam khoa khám. Kết quả xét nghiệm khiến anh giật mình. Bác sĩ cho biết đường máu của anh lên tới 10 mmol/l khi đói. Đây là chỉ số đường huyết rất cao. Bác sĩ cho làm xét nghiệm liệu pháp đường huyết thêm thì kết quả chẩn đoán anh bị đái tháo đường tuýp 2.

Anh K. cho biết từ trước tới nay sức khoẻ của anh tốt nên anh cũng không đi khám sức khoẻ định kỳ. Vì vậy, anh mắc đái tháo đường từ khi nào cũng không biết. Đái tháo đường gây ra biến chứng rối loạn cương.

'Trên bảo dưới không nghe', đi khám ngã ngửa thủ phạm là căn bệnh triệu người mắc-1

Ảnh minh hoạ.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, tình trạng cương của dương vật được duy trì bởi việc đổ đầy máu vào các khoảng trống trong thể hang từ các động mạch. Những kích thích về thần kinh và giới tính tại chỗ sẽ làm gia tăng tình trạng tiết một chất hoá học là Nitric oxide từ dây thần kinh của thể hang và các tế bào nội mạch.

Chất này ức chế hệ thần kinh giao cảm và kích thích hệ phó giao cảm để làm gia tăng lượng máu đến thể hang đồng thời làm cản trở dòng máu trở về bằng đường tĩnh mạch. Khi đó sẽ làm tăng thể tích của dương vật tạo nên tình trạng cương và cứng để giao hợp.

Một số tình trạng bệnh lý của cơ thể như: Xơ vữa động mạch, các bệnh mạn tính như hội chứng cường giáp, cao huyết áp, hút thuốc lá và uống nhiều rượu v.v…Trong số đó thì bệnh tiểu đường type 2 sẽ ảnh hưởng đến tình trạng cương cứng của dương vật bệnh nhân nhiều nhất.

Vì sao đái tháo đường dễ gây rối loạn cương?

PGS Nam cho biết do bệnh nhân bị đái tháo đường có tình trạng tổn thương của dây thần kinh lưng dương vật, tình trạng rối loạn của hệ thần kinh thực vật, tổn thương của các mạch máu lớn và các mạch máu nhỏ trong cơ thể người bệnh. Đặc biệt là các mạch máu của thể hang.

Tình trạng tiểu đường còn làm giảm đáp ứng của các mạch máu trong thể hang và sự co giãn của các bè cơ trơn của dương vật với Nitric oxide. Ngoài ra các rối loạn về tâm thần kinh thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường như: tình trạng kích động, lo lắng quá mức, trầm cảm v.v… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng cuơng của dương vật.

PGS Nam cho biết những thống kê ở nước ngoài thì tình trạng rối loạn dương cương chiếm vào khoảng từ 20-71% những người đàn ông bị bệnh tiểu đường. Nguy hại hơn nữa khi các nhà chuyên môn thấy rằng: những người bị tiểu đường hay bị rối loạn cương dương gấp 3 lần và tình trạng rối loạn này lại nặng hơn so với những người không bị bệnh tiểu đường.

Tình trạng rối loạn cương dương ở những bệnh nhân bị tiểu đường xảy ra ở tuổi trẻ hơn và ngay trong giai đoạn sớm của bệnh. Có tới 56% bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn cương dương ngay trong 5 năm đầu tiên của bệnh và có rất nhiều trường hợp rối loạn dương cương là triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường. Người bệnh khi đi khám bệnh tại một phòng khám nam khoa được đi xét nghiệm về đường máu và đường niệu mới biết mình bị tiểu đường.

Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường là tuổi tác của bệnh nhân. Bệnh nhân càng lớn tuổi tình trạng bệnh càng nặng nề. Ở những bệnh nhân tiểu đường trẻ hơn có thể bị rối loạn cương dương khi sử dụng một số loại thuốc trị bệnh như: thuốc chống tăng huyết áp, thuốc tâm thần, thuốc chống co giật, thuốc nội tiết v.v…

Ngoài ra còn có những yếu tố nguy cơ khác thường thấy là: thời gian bị bệnh tiểu đường, càng bị lâu càng dễ bị rối loạn cương dương, việc kiểm soát đường huyết không tốt do bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị không đúng quy cách, bệnh nhân hút thuốc lá, nghiện rượu, trầm cảm hay bị các bệnh khác đi kèm.

Về điều trị, PGS Nam cho biết trong một thời gian khá dài, tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường được coi là không có khả năng chữa trị. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân bị tiểu đường ngày càng gia tăng như hiện nay, các yêu cầu của bệnh nhân trước việc cải thiện chất lượng của cuộc sống đã đặt nền y học trước những thách thức mới và cuộc tìm kiếm những phương thức điều trị đã bắt đầu và tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân ngày càng được cải thiện, chỉ cần chúng ta quan tâm và điều trị kịp thời.