Mới đây, sự việc một bé trai 4 tuổi tử vong thương tâm vì đuối nước sau khi rơi xuống hồ cá cảnh của quán cà phê tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khiến dư luận bàng hoàng.
Đáng chú ý, camera của quán ghi lại cảnh cháu bé được người lớn vớt lên chỉ sau hơn 2 phút xảy ra tai nạn nhưng vẫn không thể cứu sống. Sự việc để lại nhiều nuối tiếc, ám ảnh cho cả cha mẹ, người thân của bé lẫn những người chứng kiến.
Bé trai rơi xuống hồ cá, được một cháu bé khác phát hiện chỉ sau 2 phút nhưng vẫn không thể cứu được (Ảnh cắt từ clip).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Thế Hải, Phó Trưởng Văn phòng đại diện tại TPHCM, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực trị liệu, giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ chia sẻ, sự việc trên là bài học không chỉ cho phụ huynh mà còn với cộng đồng.
Ông Hải phân tích, mỗi đứa trẻ là một "nhà thám hiểm cảm quan". Trong những nghiên cứu của mình, nhà giáo dục nổi tiếng Maria Montessori (người tạo ra phương pháp giáo dục Montessori) nói rằng, trẻ bắt đầu trải nghiệm thế giới bằng cảm quan ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ.
Sau khi chào đời, thông qua những giác quan, đứa trẻ sẽ học về môi trường xung quanh mình. Và qua các bài học đó, trẻ mới hiểu được thế giới mà chúng đang là một thành phần ở trong đó.
Tuy nhiên theo chuyên gia, ở từng giai đoạn phát triển, mỗi em lại có tích lũy khác nhau về mặt kinh nghiệm, cảm giác. Ngay như cảm giác về sự nguy hiểm, mất an toàn của mỗi trẻ cũng khác nhau và khác với cảm nhận của người lớn. Cụ thể, người lớn cho rằng nguy hiểm nhưng đứa trẻ lại không hiểu như thế.
Một trường hợp trẻ nguy kịch do té vào xô nước trong nhà (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Bên cạnh đó, việc xử lý của đứa trẻ khi gặp tình huống nguy hiểm như "kêu cứu" cũng chưa được hướng dẫn sâu rộng trong cộng đồng, dẫn đến nhiều trường hợp can thiệp không kịp thời. Đôi khi, tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng có một phần do người lớn chủ quan về mức độ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Ông Hải nhận định, đuối nước là một tai nạn thường xảy ra đối với trẻ em, kể cả trẻ ở nông thôn lẫn thành phố. Trẻ biết bơi vẫn có thể bị đuối nước. Đặc biệt, không chỉ những hồ lớn, nước sâu mới là nơi có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ mà ngay những khu vực nước nông (như hồ cá cảnh) cũng tiềm tàng rủi ro đuối nước.
Chỉ cần vài phút đuối nước, trẻ sẽ bị tổn thương não (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Ông Hải phân tích, khi trẻ bị té ngã ở những nơi nước nông thì dễ bị choáng, thậm chí bị ngất. Cảm giác đau sẽ khiến trẻ không thể đứng lên ngay. Chỉ một vũng nước nhỏ đủ che kín mặt trẻ, khiến trẻ không thở được là đã gây ra đuối nước.
Sau 2-4 phút không thở thì não bắt đầu chết và nạn nhân mất phản ứng. Từ đó làm hạn chế rất nhiều cho việc phát hiện và ứng cứu.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chuyên gia khuyến cáo có 5 việc phụ huynh và xã hội, cộng đồng cần thực hiện.
Thứ nhất, phải che chắn đảm bảo an toàn cho trẻ với các hạng mục như bể cá cảnh, bể chứa nước...
Thứ hai, khi trẻ ở nơi công cộng cần có người giám sát, không nên chủ quan với những nơi nước nông. Thứ ba, phải hướng dẫn cho trẻ những nơi nguy hiểm cần tránh.
Thứ tư, các cơ quan, trường học... phải phổ biến tập huấn về sơ cứu, cấp cứu đuối nước, nhằm kịp thời xử trí khi tai nạn bất ngờ xảy ra với trẻ. Ngoài ra, nên tập bơi cho trẻ càng sớm càng tốt.
UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, mục tiêu là đến năm 2025, trên 60% trẻ em từ đến dưới 16 tuổi tại địa phương biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, và năm 2030 sẽ đạt 70%.
TPHCM cũng phấn đấu giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 (so với năm 2020). Ngoài ra, 90-95% hộ gia đình của địa phương phải được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em theo từng mốc của năm 2025 và 2030.
TP.HCM yêu cầu các đơn vị cần phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Tiếp tục tăng cường xây dựng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.
Các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước phải có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.