Trang Chủ > Sức khỏe > Trẻ sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn?

Trẻ sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn?

VnExpress
22/08/2022 08:48:20

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sinh non phân thành 4 nhóm. Trẻ sinh trước 28 tuần tuổi là sinh cực non tháng. Trẻ sinh từ 28-31 tuần 6 ngày tuổi là sinh rất non tháng. Trẻ sinh từ 32 tuần - 33 tuần 6 ngày gọi là sinh non vừa. Bé sinh từ 34 tuần - 36 tuần 6 ngày, sinh non muộn.

Hiện nay, tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non sẽ khác nhau ở các tuổi thai và tùy trung tâm. Theo báo cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD), trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi có ít cơ hội sống sót, tỷ lệ sống sót cho đến khi xuất viện của trẻ 22 tuần là 6%, 23 tuần là 26%. Trong trường hợp trẻ sống được lại đối mặt với nguy cơ gặp biến chứng suốt đời, đặc biệt là di chứng não từ trung bình đến nặng lên đến 69%. Vì vậy, một số trung tâm chọn mốc tuổi thai 24 tuần là ngưỡng an toàn để cứu sống.

Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 có cơ hội sống sót khoảng 78%. Tuy nhiên, theo dõi cho thấy có 4/10 trẻ sinh non sống ở tuần thai này sẽ gặp các vấn đề về hô hấp, thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ so với trẻ đủ tháng.

Trẻ sinh non sau 28 tuần tuổi có khả năng sống sót lên đến 80-90%. Tuy nhiên, khoảng 10-20% nguy cơ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe lâu dài như vấn đề hít thở, nhiễm trùng, vấn đề liên quan huyết học, tiêu hóa...

Trẻ sinh non từ 30-32 tuần tuổi tỷ lệ sống sót lên đến 95%, các nguy cơ gặp phải trong vấn đề sức khỏe lâu dài cũng giảm đáng kể. Bé chào đời khi đủ 34-36 tuần tuổi có tỷ lệ tử vong rất thấp (2,8-7,1/1000 trẻ sinh sống), khả năng khỏe mạnh bình thường, 3-10% có vấn đề về hô hấp. Trẻ vẫn còn gặp khó khăn về ăn uống, cần phải theo dõi về vàng da, tăng trưởng, phát triển.

Trẻ sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn?-1

Trẻ sinh cực non 25 tuần nặng 740 gram được nuôi dưỡng thành công tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tâm Anh

Trẻ sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn và nuôi được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng khi sinh, giới tính của trẻ, sinh đơn hay sinh đôi, tùy theo khả năng hồi sức sơ sinh của từng trung tâm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ có cân nặng trên 1.000 gram thì cơ hội sống sót lên đến 90%. Ngoài ra, yếu tố như gen di truyền, tình trạng sức khỏe, bệnh lý mắc phải của mẹ (bệnh tim mạch, huyết áp...) hoặc biến chứng xảy ra khi sinh cũng ảnh hưởng đến trẻ.

Trình độ y học là yếu tố quan trọng quyết định đến việc cứu sống và nuôi dưỡng trẻ sinh non. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị tân tiến, nhiều phác đồ hiện đại được xây dựng, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ đẻ non.

Tại Việt Nam, nhiều năm trở lại đây nuôi dưỡng thành công nhiều ca trẻ sinh cực non. Điển hình, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nuôi sống bé sinh non 24 tuần 5 ngày nặng 550 gram phát triển bình thường, cân nặng xuất viện đạt 3 kg; nuôi dưỡng thành công bé sinh non 25 tuần nặng 740gram...

Trường hợp của bạn được bác sĩ cảnh báo nguy cơ sinh non cần có sự chuẩn bị kỹ càng, chọn lựa nơi khám thai, sinh con có đủ chuyên khoa Sản Phụ khoa - Hồi sức Sơ sinh. Đồng thời, người mẹ phải nghỉ ngơi, hạn chế làm việc, tuân thủ khám thai đều đặn, cố gắng giữ bé trong tử cung càng lâu càng tốt.

Bởi vì trẻ sinh càng non càng có nguy cơ đối mặt với các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng: cân nặng thấp, dễ bị suy hô hấp sau sinh do chức năng phổi chưa trưởng thành nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm phổi... Bên cạnh đó, trẻ dễ bị hạ thân nhiệt do thiếu lớp mỡ dưới da, làm tăng nguy cơ tử vong. Bé chào đời non tháng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất trí tuệ trong tương lai vì có thể có di chứng thần kinh tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động. Bé dễ mắc các khiếm khuyết như mù bẩm sinh, điếc bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh... Chính vì vậy, cần phải có chế độ theo dõi thai kỳ, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, có kế hoạch đón trẻ sinh non, cực non, hồi sức ngay sau sinh và chăm sóc khi chào đời.

Với lợi thế nằm trong bệnh viện đa chuyên khoa, hội tụ nhiều chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh tiếp nhận, cứu chữa thành công nhiều ca trẻ sinh non và cực non; trẻ mắc dị tật bẩm sinh như dị tật đường tiêu hóa cần can thiệp sớm (không hậu môn, phình đại tràng bẩm sinh, tắc tá tràng, tắc - teo ruột); dị tật gây suy hô hấp cấp (hở môi và khe hở vòm hầu, thoát vị màng não tủy, thoát vị rốn, thoát vị hoành, teo dò khí khí thực quản); dị tật cơ - xương - khớp; dị tật tim bẩm sinh...

BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh
Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM