Trang Chủ > Sức khỏe > Trẻ nhỏ cũng mắc bệnh cường giáp

Trẻ nhỏ cũng mắc bệnh cường giáp

Dân trí
08/07/2022 10:17:40

Cường giáp là bệnh lý do chức năng tuyến giáp tăng tiết nhiều hormone giáp trạng vào trong máu. Đây là một bệnh lý tuyến giáp lành tính, không phải ung thư. Bệnh thường gặp ở người trưởng thành, ít gặp ở trẻ nhỏ. Khi không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ nhỏ có thể chịu những biến chứng nặng nề về thần kinh, tim mạch, vận động… ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống.

Trẻ nhỏ cũng mắc bệnh cường giáp-1

Vừa qua, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) điều trị cho bệnh nhi Nguyễn H.T. (6 tuổi) mắc bệnh cường giáp. Trẻ có khối to vùng cổ, không sưng tấy đỏ kèm run tay, chân, mắt lồi, mạch nhanh 160 ck/phút. Kết quả siêu âm có nang thùy phải tuyến giáp, xét nghiệm chỉ số hormon tuyến giáp tăng cao (FT4 > 100).

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh lý cường giáp - basedow. Trẻ được điều trị kháng giáp, chẹn beta giao cảm. Sau 7 ngày, tình trạng trẻ ổn định và được xuất viện.

Nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp ở trẻ em rất đa dạng như do bệnh basedow, các bệnh lý gây viêm tuyến giáp bẩm sinh, dùng iod thời gian dài dự phòng bệnh bướu cổ. Cường giáp ở trẻ sơ sinh chủ yếu do mẹ của trẻ đã hoặc đang mắc bệnh cường giáp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết bệnh cường giáp không thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim), thần kinh (suy giảm trí nhớ, kích động, lú lẫn, nói sảng), hệ cơ xương (nhược cơ, liệt cơ), chậm phát triển, ảnh hưởng đến ngoại hình thẩm mỹ của trẻ như mắt lồi, bướu cổ. Đặc biệt biến chứng cấp tính là cơn nhiễm độc giáp xảy ra đột ngột với các triệu chứng như thân nhiệt tăng cao, vã mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy, kích động, mê sảng, liệt cơ, hôn mê, nhịp tim rất nhanh, loạn nhịp, suy tim và cuối cùng dẫn đến trụy tim mạch…, có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Điều trị bệnh cường giáp trẻ em ưu tiên điều trị nội khoa. Nếu điều trị nội khoa mà bệnh tái phát nhiều lần hoặc không có kết quả thì có thể lựa chọn các phương pháp iod phóng xạ hoặc phẫu thuật.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh cường giáp sẽ giúp trẻ tránh được các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ. Phụ huynh cần theo dõi, chăm sóc trẻ, lưu ý các dấu hiệu của bệnh cường giáp điển hình ở trẻ nhỏ như: bướu cổ nhìn hoặc sờ thấy được, mắt lồi, sụp mí, khả năng tập trung kém, lo lắng hồi hộp, nóng, vã mồ hôi, run chân tay, tăng nhịp tim, sụt cân, chậm lớn…