1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc sốt xuất huyết
Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nên sẽ bị sốt, đau nhức mình mẩy, khó chịu, mệt, nhạt miệng, nên rất lười ăn uống. Để đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn hàng ngày, dễ tiêu, những thức ăn lỏng như: Cháo, súp, sữa... và chia nhỏ thành nhiều bữa ăn.
Khi trẻ bị sốt cao (trên 39 độ C) trong một thời gian dài sẽ làm cho trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol thì càng tốt.
Nếu không có oresol, có thể cho trẻ uống nước gạo rang hoặc nước muối (cho 2 thìa cà phê muối ăn cùng với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước đun sôi, để nguội, uống dần trong ngày). Nên cho trẻ uống thêm nước ép cam, chanh tươi để có thêm sinh tố C. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian bú mẹ.
2. Những điều cần tránh khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc. Không tự ý dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).
Không cạo gió, vì làn da của trẻ mỏng manh sẽ làm trẻ đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Sốt xuất huyết có khả năng làm chảy máu tiêu hóa, chảy máu chân răng, do đó không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như: Coca, Pepsi, Xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn và khó nhận biết được tình trạng chảy máu tiêu hóa ở trẻ.
>>> Cảnh báo 13 dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng nguy hiểm cần lưu ý
>>> 4 tips nhỏ cần thực hiện để phòng ngừa sốt xuất huyết