Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - tại cuộc họp chiều 28/7
Chiều 28/7, tại cuộc họp thường kỳ ở Trung tâm Báo chí TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết thông tin về biện pháp triển khai, giám sát thân nhiệt và triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả những người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Theo đó, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ.
Ông Hồng Tâm thông tin thêm, hiện giờ Bộ Y tế và Sở Y tế vẫn chưa có quyết định nào về việc cách ly các trường hợp nghi ngờ hay được xác định nhiễm đậu mùa khỉ. Thay vào đó, căn cứ vào cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nghi nhiễm tại TPHCM được khuyến cáo nên đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kiểm tra và tự cách ly tại nhà 21 ngày.
Theo phân loại của WHO, Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (chưa có trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, ngành y tế cho rằng việc đưa ra biện pháp phòng ngừa và chủ động kế hoạch ứng phó là điều cần thiết. Chính vì vậy, UBND TPHCM đề nghị Bộ Y tế cho phép thành phố thực hiện khai báo y tế đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh tại các cửa khẩu.
Gần đây, nhiều nước châu Á đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ
Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, điều tra dịch tễ. Những hành khách nhập cảnh được xếp vào trường hợp có thể nhiễm bệnh (có triệu chứng lâm sàng và từng tiếp xúc với người mắc bệnh) sẽ được hướng dẫn đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được kiểm tra, theo dõi.
Theo mẫu khai báo y tế đối với bệnh đậu mùa khỉ, TPHCM yêu cầu cho người nhập cảnh bao gồm thông tin cá nhân và 3 câu hỏi về khả năng tiếp xúc, trạng thái cơ thể và các triệu chứng nếu có.
Cũng trong cuộc họp chiều nay, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM - cũng thông tin về nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân hậu COVID-19. Theo đó, hội đồng chuyên môn nhấn mạnh hoại tử xương - sọ mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải bệnh lạ, có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu, cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ mặt và các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (cụ thể là bệnh Paget). Vừa qua, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi nhận 24 trường hợp hoại tử xương - sọ mặt trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19. Các ca bệnh này liên quan đến thiểu dưỡng cục bộ của xương - sọ mặt và bội nhiễm có nhiều nguyên nhân khác nhau cần được nghiên cứu thêm. Sở Y tế TPHCM tiếp tục đề nghị các đơn vị trên địa bàn khi tiếp nhận người bệnh có triệu chứng liên quan đến bệnh lý cốt tủy viêm xương hàm mặt cần hội chẩn chuyên khoa để sớm nhận diện và có kế hoạch điều trị. |
Thu Hương