Một phòng bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.D
Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy, số ca sốt xuất huyết nhập viện chiếm khoảng 60% ca đến khám; số ca có dấu hiệu cảnh báo, nguy cơ vào sốc chiếm 20%, số ca nặng có sốc chiếm 10%, số ca nguy kịch chiếm 1%. Thành phố dự tính chia thành 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó, cụ thể như sau:
Tình huống 1
: Số ca nhập viện mỗi ngày dưới 300 ca, dưới 2.000 ca điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện: Các bệnh viện sẽ chuẩn bị 2.405 giường bệnh sốt xuất huyết và 260 giường hồi sức. Bệnh nhân nặng là người lớn sẽ ưu tiên điều trị tại bệnh viện bộ ngành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, bệnh viện đa khoa của thành phố.
Đối với trẻ em chuyển bệnh viện chuyên khoa Nhi. Tình huống này sẽ cần 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 160 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 320 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Tình huống 2
: Số ca nhập viện từ 300 - 600 ca mỗi ngày, 2.000 - 4.000 ca điều trị nội trú và 200 - 400 ca nặng tại các bệnh viện: Tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh điều trị và hồi sức tại các bệnh viện công lập. Tổng số giường điều trị sốt xuất huyết trong giai đoạn này là 4.000 giường, 410 giường hồi sức. Các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ tiếp nhận bệnh nhi có chỉ định nhập viện nhưng chưa chuyển nặng.
Giai đoạn này cần có 550 bác sĩ và 1.100 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 320 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 640 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Tình huống 3
: Số ca nhập viện mỗi ngày từ 600 - 900 ca, 4.000 - 6.000 ca đang điều trị nội trú và 400 - 600 ca nặng tại các bệnh viện: Tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh. Tổng số giường điều trị sốt xuất huyết trong giai đoạn này là 6.000 giường, 605 giường hồi sức (trong đó có 210 giường tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).
Giai đoạn này cần có 800 bác sĩ và 1.600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, 480 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 960 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Hiện các bệnh viện có 142 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa truyền nhiễm và 2.704 bác sĩ được tập huấn điều trị sốt xuất huyết; 2.651 điều dưỡng được tập huấn theo dõi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết; 591 bác sĩ được tập huấn hồi sức cấp cứu; 2.150 điều dưỡng được tập huấn chăm sóc người bệnh nặng.
Ca bệnh sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.D
Ngoài ra, các bệnh viện cũng chuẩn bị dịch truyền, máu sẵn sàng theo quy định. Việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết theo 3 mức độ cũng đã được ban hành, đảm bảo điều trị hiệu quả và tránh quá tải.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân tuyến; rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể với từng ca bệnh sốt xuất huyết.
Đặc biệt, các bệnh viện phải tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời ca bệnh có diễn tiến bệnh nặng lên. Củng cố đường dây điện thoại nóng tại các bệnh viện tuyến cuối, đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, dịch truyền máu…
Tính đến ngày 11/7, TP.HCM đã ghi nhận 26.138 ca mắc sốt xuất huyết đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020 với 12 trường hợp tử vong.