Dòng sông đỏ ngầu hàng chục năm, từng khiến người dân địa phương e ngại mỗi lần buộc phải lội qua, từ đầu tháng 7/2022 đến nay nước sông đã dần trong xanh trở lại.
Nguồn nước sông Nậm Tôn tại thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp) đã dần trong xanh trở lại.
Trước đây, tình trạng ô nhiễm trên sông Nậm Tôn diễn ra nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, cuộc sống người dân địa phương. Dòng sông đục ngầu, đỏ quạch, có thời điểm cơ quan chức năng quan trắc chỉ số TSS (chất rắn lơ lửng) trong nước vượt 26,93 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nguy hiểm hơn, trong mẫu trầm tích được lấy từ sông Nậm Tôn (đoạn qua cầu Nậm Tôn, thị trấn Quỳ Hợp) phát hiện hàm lượng asen vượt 9,28 lần, thủy ngân vượt 1,01 lần. Trong khi đó, tại khu vực 2 xã Châu Hồng và Châu Tiến, nơi thượng nguồn của sông Nậm Tôn, liên tục xuất hiện các hố tử thần ngay trong khu dân cư khiến gần 200 nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học bị hư hỏng.
Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt. Cuối tháng 7/2022, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại thị trấn Quỳ Hợp, nơi giao nhau của sông Nậm Tôn và sông Nậm Huống nguồn nước đã trong xanh, khác hoàn toàn với thời điểm cuối tháng 5/2022. Ngược về phía thượng lưu nơi khởi nguồn của sông Nậm Tôn, nguồn nước đã dần trong xanh trở lại. Cách đây hơn 1 tháng, tại bản Duộc, xã Liên Hợp, nơi phát lộ của sông Nậm Tôn người dân mỗi lần lội qua con sông còn e ngại vì nước sông ô nhiễm. Đến nay, trẻ em có thể tắm rửa, vui đùa ở khu vực này.
Chị Vi Thị Đạt, bản Duộc, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: "Dòng Nậm Tôn nhiều năm nay đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước sông đục ngầu, đỏ quạch không thể đưa vào sản xuất, trâu bò uống phải nguồn nước này thì còi cọc chết dần. Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, nước sông đã trong xanh trở lại, bà con ở đây rất vui, trâu bò không cần phải canh chừng nữa mà xuống sông uống nước thoải mái. Các cháu nhỏ nhân dịp hè được nghỉ cũng thỏa sức bơi lội".
Theo ông Lô Viết Quý, Trưởng thôn Duộc, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, sau khi nhà nước yêu cầu đơn vị ở 2 xã Châu Hồng, Châu Tiến nơi thượng nguồn sông Nậm Tôn không sử dụng nguồn nước ngầm vào hoạt động khai thác khoáng sản thì đầu tháng 7/2022 dòng Nậm Tôn đã dần trong xanh trở lại sau hàng chục năm bị ô nhiễm. Thời gian tới, ông Quý đề nghị, các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý, giám sát hơn không để tái diễn tình trạng ô nhiễm trên sông Nậm Tôn.
Tại xã Châu Hồng, đầu nguồn của sông Nậm Tôn, sau khi UBND huyện Quỳ Hợp ra văn bản yêu cầu tạm dừng việc bơm hút, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm thì các giếng ở đây đã có nước trở lại, hiện tượng sụt lún không còn xuất hiện. Theo ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, ngay sau khi được yêu cầu dừng khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm thì các doanh nghiệp đều chấp hành. Một số doanh nghiệp trước đây bơm hút nguồn nước ngầm để khai thác quặng thiếc đã dừng hoạt động. Chính quyền địa phương cũng thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra, để kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nguồn nước ngầm.
Nơi giao nhau giữa sông Nậm Tôn và sông Nậm Huống tại thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp) nguồn nước đã dần trong xanh trở lại.
Theo thông tin từ UBND huyện Quỳ Hợp, sông Nậm Tôn bị ô nhiễm nguyên nhân là do hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực thượng nguồn, nhất là ở khu vực xã Châu Hồng, Châu Tiến. Vừa qua, Đoàn kiểm tra của UBND huyện Quỳ Hợp đã trực tiếp kiểm tra tổ chức, đơn vị khai thác khoáng sản dọc theo dòng sông. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 2 đơn vị với số tiền phạt hơn 500 triệu đồng.
Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết, sau thời gian dài ô nhiễm, đầu tháng 7/2022, nước sông Nậm Tôn đã trong xanh trở lại. "Hiện chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi sự thay đổi của nước sông Nậm Tôn nếu phát hiện có hiện tượng nước đục cần báo cáo ngay cho UBND huyện để có phương án xử lý", ông Hào nói.
Cũng theo ông Hào, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác thiếc bằng hình thức hầm lò có nhiều nội dung phức tạp, địa phương không có đủ phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để kiểm tra. Vì vậy, huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An vào cuộc. Tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra, hiện nay đang trực tiếp kiểm tra 13 doanh nghiệp, đơn vị khai thác thiếc trên địa bàn. Sau khi có kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra tỉnh, dựa trên những kết quả đó huyện sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và có các giải pháp không để các đơn vị, doanh nghiệp xả thải làm ô nhiễm sông Nậm Tôn.