BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, những người làm việc trong môi trường văn phòng làm việc ngồi một chỗ khoảng 8 tiếng. Đặc thù công việc khiến các bệnh phổ biến dễ gặp phải liên quan tới tim mạch như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim… Liên quan mật thiết với lối sống như: đái tháo đường, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, trĩ, thừa cân, béo phì…Liên quan đến cơ xương khớp như: thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa cột sống , thoát vị đĩa đệm… Đồng thời, người làm văn phòng có sức đề kháng kém dẫn đến những tình trạng mạch máu lưu thông đến não cùng với áp lực công việc, stress thường xuyên trong môi trường công sở gây ra tình trạng đau đầu, đau nửa đầu”.
Nhiều người dân thắc mắc môi trường làm việc văn phòng sẽ ít tiếp xúc với tác nhân gây bệnh bên ngoài. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngọc Diệp, chính vì ngồi trong môi trường lạnh nên sự lưu thông khí huyết không tốt như người bình làm việc bên ngoài, cơ thể được vận động. Virus cũng dễ dàng tấn công hơn với những người làm việc văn phòng vì sức đề kháng yếu.
Ngoài ra, sức đề kháng có mối liên hệ mật thiết với các vitamin. Việc người làm việc trong môi trường văn phòng muốn khoẻ mạnh cần bổ sung đủ nhu cầu các vi chất này là vô cùng quan trọng. Sự thiếu hụt vitamin vì vậy cũng sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, gây mệt mỏi. Đồng thời, các vitamin còn đóng vai trong chuyển hóa, hấp thu thức ăn, tạo ra năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Do đó khi thiếu các vitamin có thể khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.
Bác sĩ Ngọc Diệp đưa ra lời khuyên để không trở thành “bóng ma” khi làm việc văn phòng, cần: Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn; ngủ đủ giấc; uống đủ nước; giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng; có thể thử qua các phương pháp như tập hít thở, yoga, thiền định; chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng; không sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá…