Trang Chủ > Sức khỏe > Tiêm vắc xin COVID-19 có làm giảm trí nhớ?

Tiêm vắc xin COVID-19 có làm giảm trí nhớ?

Tuổi Trẻ
28/09/2022 12:59:12

Các chuyên gia khẳng định, chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc tiêm phòng vắc xin COVID -19 sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như suy giảm trí nhớ, rụng tóc, ảnh hưởng kinh nguyệt, hay thậm chí vô sinh như nhiều người đang lầm tưởng.

  • Làm sao để bảo vệ người suy giảm miễn dịch trước COVID-19?

Suy giảm trí nhớ, rụng tóc sau tiêm vắc xin COVID-19?

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, thời gian qua có nhiều thông tin sai lệch về việc tiêm vắc xin COVID-19 có thể dẫn đến các hiện tượng rụng tóc, giảm trí nhớ, rối loạn kinh nguyệt hay vô sinh.

Một số nữ giới nhận thấy sau khi tiêm vắc xin COVID-19 có xảy ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Ông Dũng nhận định, hiện tượng này có thể do nhiều nguyên nhân. Cụ thể: "Nhiều nữ giới có thời gian lâu không sử dụng vắc xin phòng bệnh, vì vậy khi tiêm vắc xin cũng có thể có những yếu tố tâm lý và lo lắng làm ảnh hưởng đến nội tiết tố, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Bởi bình thường tâm lý căng thẳng, chế độ ăn kiêng hoặc do các bệnh lý khác đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, chị em cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này. Các vắc xin hiện tại đều đã được đánh giá và có những bằng chứng cho thấy không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như thai kỳ".

Về việc suy giảm trí nhớ sau khi tiêm vắc xin COVID-19, ông Dũng cũng nhận định là không có căn cứ. WHO đã khẳng định, vắc xin phòng COVID-19 không liên quan đến đột biến gen, khả năng sinh sản cũng như không ảnh hưởng đến trí nhớ của người được tiêm. Lượng kháng thể từ việc chích ngừa COVID-19 không duy trì lâu dài mà sẽ giảm dần theo thời gian. "Vì vậy, WHO cũng khuyến cáo những mũi tiêm nhắc lại để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19", ông Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho rằng vắc xin COVID-19 không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gien và ảnh hưởng về lâu dài như bệnh ung thư hay gây vô sinh, theo như các nghiên cứu cho đến nay.

Những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm

Theo bà Hồng, cũng như sử dụng thuốc hay các loại vắc xin khác, vắc xin COVID-19 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn bao gồm: phản ứng thông thường như đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có rất ít những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.

"Vì vậy sau khi tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng cần phải theo dõi để phát hiện sớm và kịp thời xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, hạn chế tối đa các tai biến nặng sau tiêm chủng, đặc biệt các đối tượng là người cao tuổi, người có các bệnh lý mạn tính kèm theo thì cần theo dõi sát sao hơn", bà Hồng thông tin.

Ông Dũng cũng khuyến cáo các vắc xin COVID-19 đang được tiêm chủng hiện nay đều được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép và khuyến cáo sử dụng. Hiện các loại vắc xin đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới như vắc xin AstraZeneca và mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc phòng ngừa biến chứng nặng và tử vong, kể cả ở mũi tiêm thứ ba và thứ tư. Các loại vắc xin này đã được kiểm định, nghiên cứu rõ ràng, và được đánh giá chặt chẽ về hồ sơ lợi ích tính an toàn.

"Vắc xin ngừa bệnh hiệu quả nhất là vắc xin sẵn có. Hiện nước ta không thiếu vắc xin, vì vậy để giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong, người dân nên tiêm chủng đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết, với những người chống chỉ định tiêm vắc xin do có tiền sử dị ứng nặng với các thành phần trong vắc xin, hoặc đã tiêm vắc xin nhưng không có đáp ứng miễn dịch đầy đủ do hệ miễn dịch bị suy yếu, có thể được tăng cường bảo vệ trước COVID-19 bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng dự phòng bệnh, theo chỉ định của bác sĩ.

DƯƠNG LIỄU