Tiệm mì nằm trên đường Thủ Khoa Nghĩa, Châu Đốc, An Giang.
TIỆM MÌ CÓ TÊN LẠ TỒN TẠI GẦN 50 NĂM CHA TRUYỀN CON NỐI
Tiệm mì nằm trên đường Thủ Khoa Nghĩa, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang. Hình ảnh chiếc xe mì, cùng những dãy bàn được kê sẵn, kể cả ngày mưa hay nắng có lẽ rất quen thuộc với người dân ở Châu Đốc, An Giang.
Tiệm mì có mặt ở An Giang từ những năm 1975, tính đến nay đã được gần 50 năm. Hình ảnh chiếc xe đẩy vô cùng gọn gàng đơn giản, bên cạnh là nồi nước hầm xương lúc nào cũng nóng hổi luôn thu hút người dân và du khách.
Cứ 3h - 4h chiều một góc đường lại trở nên nhộn nhịp và nổi bật hơn hẳn với những chiếc bàn nhựa được chủ quán kê ra để chờ đón những vị khách đến thưởng thức. Chú Tài - chủ quán mì Vách Tường đời thứ 2 chia sẻ:
"Tiệm bắt đầu dọn hàng ra từ khoảng 3h - 4h chiều, vừa dọn hàng vừa bán đến khi nào hết nguyên liệu thì thôi. Có hôm thì 7h tối đã hết rồi, có khi muộn hơn thì khoảng 9h tối".
Khi hỏi về cái tên quán nghe rất lạ, chú cho biết:
"Quán được ông già (bố) mở ra từ những năm 1975, mọi thứ đều do ông nghĩ ra, cái tên mì vách tường cũng do ông đặt luôn. Sở dĩ có tên là mì vách tường bởi từ ngày xưa bán hàng nhờ vào cái vách tường về sau mới chuyển ra địa điểm này cũng có cái vách tường nên giữ nguyên như vậy".
Tiệm mì lúc nào cũng có khách ra vào.
Chú cho biết, quá trình chuẩn bị và chế biến đều một tay gia đình chuẩn bị. Buổi sáng, chú sẽ là người đi chợ, mua nguyên liệu về làm đồ bán, chỉ có mỗi bưng bê là thuê người ở ngoài làm. Cứ mỗi chiều đi qua đây, bạn sẽ thấy khách ra vào nườm nượp, những chiếc bàn dần dần được lấp đầy.
ĐIỂM NHẤN CÓ 1-0-2 CỦA TIỆM MÌ VÁCH TƯỜNG ĐƯỢC TIẾT LỘ?
"Con ăn gì... Mì khô hay mì nước..."
Khi nghe xong khách order xong chú nhanh chóng ra trụng mềm sợi mì, nhúng nước nóng rồi nhúng nước lạnh để sợi mì được dai, giòn, ngon,
"mì này là đặt làm của người Hoa"
, chú Tài nói. Khi đã trụng mềm sợi mì và cho vào tô, người bán sẽ cho khoảng 1 vá thịt bằm, tiếp theo là sắp xếp các loại topping như tim, gan, cật, xá xíu, tóp mỡ...
Mỗi phần như vậy có thêm một bát nước xương đi kèm. Xương ở đây là phần xương sườn, xương tủy,... sau khi chủ quán nấu cho ngọt nước có thể bỏ riêng ra để khách gọi ăn kèm, phần xương này thường còn thịt hoặc gân để gặm.
Chú Tài cho biết tất cả mọi thứ từ khi được bố truyền lại vẫn được giữ nguyên như cũ không cải biến gì. Chú nhanh chóng với giọng đầy tự hào khi giới thiệu về điểm nhấn của tiệm mì gia đình:
"Nồi nước súp là một, nồi thịt bằm là hai. Hai cái này là không giống ai hết, từ nam chí bắc luôn, không có một quán nào làm thịt bằm giống như của nhà. Thêm đó, tóp mỡ cũng được nhiều người khen về độ giòn và thơm
.
Nguyên liệu làm ngày nào thì nhà bán ngày đó, không để qua ngày nên chất lượng và mùi vị luôn được đảm bảo."
Nồi thịt bằm và tóp mỡ.
Chủ quán còn cho biết điểm đặc biệt tạo nên nồi thịt bằm là:
"Nồi thịt bằm được hầm từ sáng cho đến chiều bán, lúc đó nó mới tới được cái nồi thịt bằm như vậy, ăn nó mới bùi. Nhiều người không biết bảo là thịt kho nhưng mình khẳng định đây không phải thịt kho".
MUỐN GIỮ ĐÚNG TÊN GỌI "VÁCH TƯỜNG"... NÊN KHÔNG MUỐN MỞ CỬA HÀNG
Một bát mì tại đây có giá từ 50.000 - 55.000 đồng,
"mấy năm nay không có lên giá, vẫn giữ nguyên như vậy thôi dù mọi thứ cũng đang tăng lên",
chú Tài cho biết. Theo chủ quán, lượng khách đến quán đông nhất vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần sẽ ít hơn nên nguồn nguyên liệu cũng sẽ lấy ít lại để bán ngày nào hết ngày đấy.
Tiệm mì vỉa hè ở An Giang gần nửa thế kỷ, khi hỏi chú có ý định thuê mặt bằng mở quán không thì chú chia sẻ:
"Tiệm mình bán tại vỉa hè đã mấy chục năm rồi, với cả muốn giữ đúng tên gọi mì vách tường của gia đình".
Chú cũng cho biết, hiện nay nhiều dịch vụ cửa hàng ăn uống được mở ra nhiều lắm nên khó nói trước điều gì.