Tình trạng thuốc giả lưu hành trên thị trường ngày càng gia tăng. Người dân cần cẩn trọng để tránh mua phải thuốc giả, tác hại thật gây tổn hại sức khỏe.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc
Người dân cần cẩn trọng để tránh mua phải thuốc giả, tác hại thật. Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã liên tiếp có văn bản báo cáo về một số loại thuốc giả đang lưu hành trên thị trường. Cụ thể, cuối tháng 5/2022, Cục Quản lý Dược đã có văn bản báo cáo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc mẫu thuốc Voltarén 75mg giả, trên nhãn ghi: Tên sản phẩm: Voltarén 75 mg solución inyectable; nhà sản xuất: Novartis Farmacécutica, S.A.; Lote: 81111; Caducidad: 12 2023.
Trước đó, tháng 3/2022, Bộ Y tế cảnh báo thuốc Actemra 400mg/20ml chưa cấp phép nhập khẩu, chưa cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng trên thị trường phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400mg/20ml, số lô B2101B32.
Hay mới đây, Cục Quản lý Dược có Công văn số 6040/QLD-CL cảnh báo về việc xuất hiện thuốc Cefuroxim 500mg giả đang lưu hành trên thị trường. Để đảm bảo an toàn cho người dùng, Cục Quản lý Dược quyết định thông báo thu hồi toàn quốc 2 lô thuốc có nhãn ghi: Viên nén bao phim Cefuroxim 500mg, SĐK: VD-31978-19, gồm 2 lô: SX 5241121, NSX: 301121, HD: 301124 và lô 3490621, NSX: 010621, HD: 010624; Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương.
Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo tình trạng thuốc điều trị giả, tẩy date thuốc để bán, trục lợi khi nhu cầu thị trường tăng cao. Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, thị trường tự do cũng xuất hiện các loại thuốc được người bán quảng cáo là Molnupiravir sản xuất tại Nga, Trung Quốc…, trên bao bì nhãn hiệu ghi bằng tiếng Nga, Trung Quốc, không được Bộ Y tế cấp phép.
Ngay khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, ngày 10/6/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP. Hồ Chí Minh) triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả (có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19) với quy mô lớn. Mở rộng điều tra, khám xét tại các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa (tỉnh Long An) và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ khoảng 1.000.000 viên thuốc tân dược giả thành phẩm cùng hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả. Tháng 6 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long đã phát hiện và xử lý kho thuốc tân dược với trên 22.000 sản phẩm của trên 1.400 mặt hàng thuốc tân dược có nhiều dấu hiệu vi phạm, với đủ các công dụng từ chữa đau xương khớp, đau đầu, đau bụng đến các loại thuốc đặc trị tiểu đường, tim mạch… Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 850 triệu đồng.
Không chỉ kinh doanh buôn bán thuốc giả, có đối tượng còn làm giả mạo hồ sơ để được lưu hành thuốc trên thị trường hợp pháp nhưng được Bộ Y tế phát hiện và buộc thu hồi. Theo các chuyên gia, mặc dù thuốc giả chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp... Nguy hiểm hơn, có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, kim loại nặng khiến người bệnh dùng bị tai biến hoặc gây chết người.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Nguồn Tin: