Ca mắc sốt xuất huyết tăng 148%, Bộ Y tế phân tuyến điều trị thế nào?
SKĐS - Bộ Y tế lưu ý, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng; Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.
Ngày 13/7, tin từ Sở Y tế Thừa Thiên Huế, tính đến hết ngày 10/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 286 trường hợp mắc sốt xuất huyết , trong đó có 41 ca ngoại lai. Tỉnh cũng ghi nhận 1 ca tử vong, có địa chỉ tại phường Tây Lộc, TP Huế. Hiện đang có 84 ca bệnh sốt xuất huyết chưa qua 14 ngày tại 47 xã, phường, thị trấn.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, số ca mắc mới đến ngày 10/7 đã tăng 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 (10/7/2021 có 43 ca) và tăng 2 lần so với tổng số ca của cả năm 2021 (năm 2021 có 142 ca). Các ca bệnh sốt xuất huyết hiện nay tập trung chủ yếu tại TP Huế với 130 ca, huyện Phú Lộc 44 ca, huyện Quảng Điền 31 ca. Hiện tại, số ca mắc mới đang có chiều hướng ổn định, trung bình ghi nhận 6-8 ca/ngày trong 3-4 tuần vừa qua.
Ngành y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh Chí Hùng
Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết , Sở Y tế Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân tổ chức diệt lăng quăng (bọ gậy) là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue đang gia tăng hiện nay.
Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để các dụng cụ phế thải đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi. Không có lăng quăng (bọ gậy), thì không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.
-
Sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm và chăm sóc thích hợp
Người dân cùng với chính quyền địa phương và ngành y tế chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và thực hiện một số biện pháp như lật úp các dụng cụ chứa nước chưa dùng đến.
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; thả cá vào dụng cụ chứa nước; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày…
"Phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và toàn thể cộng đồng trong việc tổ chức tốt công tác thau vét bọ gậy và thu gom vật phế thải hạn chế nơi muỗi đẻ trứng. Người dân nên đi khám ngay lập tức nếu bị sốt, nhức đầu, phát ban, đau cơ, khớp hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết", lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế khuyến cáo.
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát ra diện rộng.
Ngoài ra, tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Giữ nét đẹp trẻ trung nhờ chăm sóc da vùng mắt