Trang Chủ > Sức khỏe > Thoát vị bẹn có thể gây hoại tử ruột, vô sinh

Thoát vị bẹn có thể gây hoại tử ruột, vô sinh

VnExpress
18/08/2022 08:52:44

Bé Trương Văn Tuấn (3,5 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) phát hiện một khối phồng ở bẹn phải trong khi điều trị viêm phế quản tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Khối này phồng to hơn khi bé khóc, ho, chạy nhảy, biểu hiện rõ về chiều tối. Sau khi thăm khám, bác sĩ khoa Ngoại Nhi cho biết, bé bị thoát vị bẹn phải, cần phẫu thuật sớm để đẩy khối thoát vị vào lại trong bụng.

Ca mổ thoát vị bẹn diễn ra trong 15 phút không gặp trở ngại. Bác sĩ mở một đường nhỏ ở bẹn của bệnh nhi, đẩy mô thoát vị là mạc nối lớn vào lại trong bụng, sau đó cắt, thắt cột ống phúc tinh mạc. Vết mổ nhỏ, dán keo da, không cần thay băng, cắt chỉ. Bé trở lại sinh hoạt bình thường vài giờ sau mổ, xuất viện ngay trong ngày.

Chia sẻ về ca bệnh, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng - Bác sĩ Ngoại tim mạch - Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, thoát vị bẹn chiếm khoảng 0,8-4,4% các bệnh lý ở trẻ em, ở trẻ sinh non thì tần suất cao hơn, đến 30% tùy theo tuổi thai. Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái từ 3-10 lần. Thoát vị bẹn không tự hết, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ gặp biến chứng.

"Nếu không phát hiện và điều trị sớm, khi ruột nghẹt trong khối thoát vị, có thể dẫn đến giảm tưới máu ruột gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc. Tình trạng giảm tưới máu cũng làm tổn thương tinh hoàn ở bé trai và nguy cơ xoắn, hoại tử buồng trứng ở bé gái. Điều này có thể dẫn đến vô sinh", bác sĩ Trọng nhấn mạnh.

Thoát vị bẹn có thể gây hoại tử ruột, vô sinh-1

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng (trái) và ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Ngoại Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM phẫu thuật thoát vị bẹn cho bé Tuấn. Ảnh: Tâm Anh

Điều trị sớm thoát vị bẹn để phòng biến chứng

Khi thai nhi lớn lên trong tử cung, hai tinh hoàn phát triển dần trong bụng. Vào khoảng tháng thứ 7 thai kỳ, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc, tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Khi trẻ sinh ra, ống này thường đóng lại. Nếu ống không đóng sẽ tạo điều kiện cho cơ quan trọng ổ bụng (ruột, mạc nối lớn) di chuyển xuống ống, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn.

Bác sĩ Trọng cho biết, thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối thuôn tròn ở bẹn, có khuynh hướng di chuyển về phía bìu khi trẻ khóc, ho, rặn đi tiêu hoặc đứng trong thời gian dài, có thể phát hiện sau một đợt viêm hô hấp, viêm phế quản ở trẻ. Dấu hiệu này có khả năng xuất hiện ngay sau sinh hoặc nhiều tuần, tháng, năm sau đó (như trường hợp của bệnh nhi Tuấn).

Thoát vị bẹn có thể gây hoại tử ruột, vô sinh-2

Hình ảnh khối thoát vị bẹn nhô ra khỏi cơ bụng, tạo thành khối phồng. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Trọng, thoát vị bẹn có thể điều trị bằng phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu. Nếu mổ mở, bác sĩ sẽ mở một đường ở nếp bụng thấp của trẻ, phẫu tích đưa tạng thoát vị vào ổ bụng, cột cắt túi thoát vị, cuối cùng đóng lỗ mở bằng chỉ khâu hoặc keo phẫu thuật.

Đối với phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, bác sĩ mở một vết cắt nhỏ trên bụng trẻ để đưa dụng cụ nội soi vào sửa chữa khối thoát vị (có thể 1, 2, 3 lỗ vào dụng cụ). Phẫu thuật mở hay nội soi đều có ưu, khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, dù phẫu thuật bằng phương pháp nào, trẻ cũng trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng vài giờ sau mổ.

Trong quá trình con hồi phục, bố mẹ cần theo dõi trẻ sát sao, đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy xuất hiện biểu hiện: đau nhiều, uống thuốc giảm đau không cải thiện; sốt cao không hạ dù dùng thuốc; vết mổ viêm đỏ, đau, nóng hơn so với vùng da xung quanh, có dịch tiết ra từ vết mổ.

Bác sĩ Trọng khuyến cáo, không có cách nào giúp phòng ngừa thoát vị bẹn ở trẻ bởi nguyên nhân gây bệnh không phải do chế độ ăn uống, sinh hoạt của mẹ trong thai kỳ. Tuy nhiên, mỗi người có thể giảm nguy cơ tái phát bệnh ở những trẻ từng phẫu thuật bằng cách không để trẻ nâng, vác vật nặng, tránh vận động quá mạnh, cho bé ăn nhiều chất xơ phòng táo bón, tập thói quen không rặn mạnh khi đi tiêu.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi*

Hạ Vũ