Thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, nhiều phụ huynh tìm nguồn vaccine dịch vụ cho trẻ.
Thiếu vaccine sởi đơn và DPT
Có con nhỏ 12 tháng cần tiêm vaccine DPT nhưng gọi đến trạm y tế gần nhà được thông báo hết loại vaccine này và chưa biết khi nào có vaccine trở lại, bà Phạm Phượng Yến (quận Bình Thạnh) đành đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ với chi phí khoảng 800.000/mũi tiêm. Tương tự, nhận được tin nhắn của trạm y tế thông báo hết vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, một số phụ huynh có con nhỏ tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) đến trạm y tế phường để lấy sổ theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ Lê Thành Nam - phụ trách Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh cho hay, vaccine sởi đơn và DPT đã thiếu khoảng 2 tháng nay. Khi phụ huynh đưa trẻ đến trạm y tế tiêm, nhân viên y tế đành phải hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đi tiêm dịch vụ. Trạm Y tế phường đã báo cáo tình trạng thiếu 2 loại vaccine trên cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức nhưng cũng được báo lại là hết 2 loại vaccine này. Về việc thiếu một vài loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông tin, thành phố đã hết vaccine sởi mũi đơn để tiêm cho trẻ. Lần cuối cùng thành phố được cấp vaccine sởi đơn vào tháng 4. Từ tháng 5 đến nay thành phố chưa được cấp lại vaccine này. Đối với vaccine DPT, tháng 8 thành phố được cấp 6.000 liều. Hiện chưa có thông báo khi nào có vaccine DPT lại.
Thông tin rõ về tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TPHCM cho biết, nhu cầu vaccine sởi và vaccine DPT hàng tháng của thành phố là hơn 8.000 liều cho mỗi loại. Tuy nhiên, hiện 2 loại vaccine kể trên đều thiếu. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên địa bàn thành phố đang ở mức thấp. Mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng của TPHCM trong năm 2022 cần đạt 95% trên tổng số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Cũng theo Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 8/2022, trẻ sinh năm 2020 có tỷ lệ tiêm nhắc sởi mũi 2 (18 tháng tuổi) chỉ mới đạt 75,3%, thiếu 19,7% so với chỉ tiêu 95%. Trẻ sinh năm 2019, tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 83,6%, vẫn thiếu 11,4% so với chỉ tiêu 95%. Thêm vào đó, trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm vaccine sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2021 cũng chưa đạt do nguồn vaccine sởi bị gián đoạn, chỉ mới đạt 79,9%.
Nguy cơ dịch bệnh bùng phát
Nói về vaccine sởi và DPT, bà Nga giải thích, đối với vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi, theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia, 9 tháng tuổi là thời điểm mà kháng thể phòng bệnh sởi từ mẹ truyền sang con đã giảm xuống ở mức thấp, rất thấp. Vì vậy, với những quốc gia có lưu hành bệnh sởi như Việt Nam thì phải tiêm phòng lúc 9 tháng, sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi nữa lúc 18 tháng. Vaccine DPT - đây là vaccine tiêm nhắc lại lúc 18 tháng, bởi vì lúc 2 – 3 và 4 tháng trẻ được tiêm mũi vaccine cơ bản là bạch hầu, uốn ván, ho gà và viêm gan B.
“Nguy cơ lớn nhất hiện nay là trẻ em 9 tháng tuổi chưa được tiêm bất cứ mũi vaccine sởi nào. Trường hợp trẻ không được bảo vệ đầy đủ bằng vaccine sởi, dự báo dịch sởi xảy ra”- bà Nga chia sẻ. Quan ngại về việc gián đoạn vaccine tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TPHCM cũng khẳng định, sắp tới nguy cơ dịch sởi tái bùng phát là lớn hơn rất nhiều lần so với những đợt dịch trước.
“Theo chu kỳ, cứ 4 năm dịch sởi lại xảy ra một lần. Gần nhất là các đợt bùng phát dịch sởi vào các năm 2013-2014 và nhất là dịch sởi năm 2018-2019. Càng đáng lo ngại hơn khi sau 2 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vaccine sởi tại TPHCM rất thấp, nay lại bị gián đoạn nguồn vaccine nên nguy cơ xảy ra dịch sởi là rất lớn” - đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết.
Nhằm tăng nguồn cung vaccine sởi đơn và DPT, Sở Y tế TPHCM đã 3 lần gửi công văn báo cáo Bộ Y tế và đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng Quốc gia phân bổ kịp thời, đủ số lượng cho thành phố.
Ngoài việc kiến nghị tăng nguồn cung vaccine, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo, các trạm y tế phường/xã lập danh sách trẻ đã đủ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng để mời tiêm ngay khi nhận được vaccine. Trong trường hợp các bậc phụ huynh quá lo lắng và muốn trẻ được tiêm đúng lịch, tư vấn cho phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm chủng. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng chưa được tiêm vaccine sởi, trạm y tế có thể chỉ định tiêm vaccine MR (sởi - rubella) hoặc tư vấn tiêm MMR (sởi - quai bị - rubella). “Đây là giải pháp bao phủ nhanh nhất nhằm bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi vì chưa có vaccine sởi đơn” - bà Nga nói. Ngành y tế cũng khuyến cáo, trong thời gian trẻ chưa được tiêm chủng, mọi người cần thường xuyên rửa sạch bàn tay, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc; giữ nhà cửa thông thoáng…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho rằng, không chấp nhận nói thiếu vaccine sởi. Việt Nam sản xuất được vaccine sởi, hơn nữa các nước cũng không thiếu vaccine sởi. Theo bác sĩ Khanh, vaccine sởi có trong kho nhưng thiếu là do vướng ở thủ tục. Riêng vấn đề khi nào bùng phát dịch sởi thì không thể nói trước được. Tuy nhiên, theo chu kỳ khoảng tháng 2 đến tháng 6 năm sau có nguy cơ bùng dịch sởi. “Chúng ta không thể chủ quan với bệnh sởi. Bệnh sởi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm liên quan đến viêm phổi, viêm não. Bằng chứng cho thấy, năm 2014 đã có gần 150 trẻ bị tử vong vì bệnh sởi” - ông Khanh nói.