Trang Chủ > Sức khỏe > Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế

Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế

Viettimes
13/07/2022 10:08:15

Hàng loạt vấn đề đặt ra với các bệnh viện (BV): Vướng mắc trong triển khai mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế (TTBYT) và vật tư tiêu hao; giá dịch vụ chưa hợp lý; khó khăn trong liên doanh, liên kết, xã hội hoá; thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vv…

Trong đó, vấn đề nóng nhất hiện nay là thiếu thuốc điều trị , vật tư y tế ở các BV. Nhưng nguyên nhân vì sao thiếu thì cho đến nay, dù Bộ Y tế đã đưa ra 5 nguyên nhân, nhưng dường như vẫn chưa đầy đủ. Mà như thế, sẽ không thể có giải pháp căn cơ.

Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế-1

Có phải do tâm lý các Bệnh viện?

Trước việc các BV “kêu cứu” vì không đủ thuốc KCB, vật tư y tế, mới đây, Bộ Y tế đã giải thích, trong đó nêu: “Nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm” s au "cơn bão" thanh, kiểm tra, điều tra các vụ đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế ở nhiều tỉnh, thành.

Tuy nhiên, Giám đốc nhiều BV lại cho rằng nói thế là oan cho các BV. Theo họ, lý do không hoàn toàn do “tâm lý”, mà có quá nhiều khó khăn khách quan dẫn đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế, kể cả nguyên nhân từ phía Bộ Y tế.

Giám đốc một BV tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội tâm sự: Có nhiều vướng mắc khi triển khai thực hiện mua sắm thuốc, vật tư y tế, mà việc thực hiện đấu thầu thuốc theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là điều đầu tiên cần nói.

Theo Nghị định 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP, thì 34 BV tuyến trung ương thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Nghị định này quy định: “Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc đấu thầu thuốc theo quy định của Hiệp định CPTPP ”, nhưng đến nay Bộ Y tế chưa có Thông hướng dẫn đấu thầu thuốc theo Hiệp định CPTPP .

Vì thế, khi đấu thầu mua sắm thuốc, các BV Trung ương vẫn thực hiện theo Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và Thông tư 15/2019/TT-BYT cùng Thông tư 29/2020/TT-BYT.

Vị Giám đốc còn cho biết: Tháng 11/2021, một số BV đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược và Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đề nghị hướng dẫn mua sắm thuốc theo Nghị định 95/2020/NĐ-CP, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn.

Do đó, các BV đều lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý trong việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm thuốc theo Nghị định 95/2020 là đấu thầu thuốc theo quy định của Hiệp định CPTPP và Thông tư 15/2019/TT-BYT hướng dẫn đấu thầu thuốc tại các cơ sở KCB.

Bị động vì trông chờ vào mua sắm tập trung

Lãnh đạo một BV chuyên ngành lớn ở Hà Nội còn cho biết: Nhiều năm qua số lượng các mặt hàng do Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia - Bộ Y tế (gọi tắt là Trung tâm) đấu thầu luôn thay đổi và kết quả không liên tục, có giai đoạn gói thầu cũ đã hết hiệu lực nhưng gói thầu mới chưa có kết quả.

Mà theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, BV chỉ được phép chủ động đấu thầu mua sắm các mặt hàng thuộc danh mục đấu thầu tập trung, đàm phán giá khi Trung tâm thông báo bằng văn bản. Thực tế, khi Trung tâm đấu thầu không có kết quả mới thông báo cho BV, trong khi hợp đồng cung ứng theo kết quả trước đó đã hết hiệu lực, lúc này BV mới bắt đầu xây dựng kế hoạch đấu thầu mua sắm. Theo quy định, việc đấu thầu mua sắm cần nhiều thời gian nên BV rất bị động trong việc cung ứng.

Có thể lấy một ví dụ ở BV Việt Đức: Năm 2021 Trung tâm chưa thực hiện được, nên BV đã tổ chức tự đấu thầu. Năm 2022-2023, theo yêu cầu của Trung tâm, tháng 3/2022, BV đã gửi kế hoạch thuốc dự kiến sử dụng năm 2022-2023 cho Trung tâm. Nhưng đến đầu tháng 7/2022, vẫn chưa có kết quả đấu thầu và đàm phán giá năm 2022-2023.

BV đã nhiều lần gửi văn bản hỏi về khoảng thời gian dự kiến có kết quả để BV chủ động trong mua sắm và sử dụng thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung, nhưng tại văn bản số 580/TTMS-NVD ngày 24/11/2021, Trung tâm chỉ trả lời: “BV chủ động có kế hoạch mua sắm cho đến khi Trung tâm có kết quả đấu thầu ”. Ngày 28/4/2022, Trung tâm có văn bản số 204/TTMS-NVD thông báo Trung tâm đang tích cực triển khai đàm phán giá và đấu thầu tập trung nhưng chưa nói rõ mốc thời gian dự kiến có kết quả.

Điều này khiến BV bị động trong mua sắm các thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung quốc gia, trong đó có nhóm thuốc cho bệnh nhân theo dõi sau ghép tạng, thuốc chẩn đoán hình ảnh, thuốc kháng sinh. Hiện nay các nhóm thuốc này tại BV đã hết, BV phải chủ động đấu thầu mà không có kế hoạch từ trước, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Về lý do này, ngày 17/6/2022, trong văn bản gửi báo chí, Bộ Y tế cũng đã thừa nhận: Do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Thiếu nguồn cung vì thuốc chưa gia hạn đăng ký lưu hành

Giám đốc một BV khác cũng phản ánh về việc các thuốc đã trúng thầu nhưng không cung cấp được, do chưa được Bộ Y tế gia hạn số đăng ký.

Tháng 12/2021, BV này tổ chức đấu thầu các gói thuốc năm 2022. Đến ngày 1/4/2022, BV thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu tới các nhà thầu trúng thầu. Một số thuốc trong giai đoạn tháng 4-5/2022 đã trúng thầu nhưng không thể cung cấp được do số đăng ký hết hạn chưa được cấp mới, hoặc gia hạn.

Chính điều này dẫn đến thiếu thuốc trong BV (trong đó có cả thuốc đối quang từ và thuốc gây mê Propofol). Đến ngày 2/6/2022, Cục Quản lý Dược mới công bố các thuốc được gia hạn số đăng ký đến hết 31/12/2022, thì nhiều thuốc mới có thể được cung ứng trở lại.

Ở sát nách Bộ Y tế nhưng BV Việt Đức cũng gặp khó khăn khi những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp phải dùng thuốc chuyên khoa, nhưng do số lượng sử dụng ít, nên rất ít đơn vị cung cấp. Vì thế, BV đã nhiều lần bị gián đoạn việc cung cấp các thuốc hiếm, như Protamin (thuốc không thể thiếu trong mổ tim), Prostaglandin E2 là thuốc phục vụ cho ghép gan người cho sống, ghép tim.

Hiện BV vẫn đang có thiếu nhiều loại thuốc, như Myfotic 180mg, Cellcept 250mg, Celcept 500mg, Protamin sulphate, Tracrium và Meronem, là các thuốc thuộc gói đàm phán giá, hoặc gia hạn số đăng ký muộn hơn dự kiến nên công ty chưa kịp đặt hàng theo số đăng ký mới, hay công ty trúng thầu không cung ứng được hàng vv…

(Còn nữa)

Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế-2

Nếu để thiếu thuốc men, vật tư y tế, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm

Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế-3

Thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện: Bộ Y tế nói gì?

Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế-4

Thường trực Chính phủ: Khắc phục ngay việc thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại cơ sở y tế

Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 1): Thiếu loạt quy định từ Bộ Y tế-5

Thuốc hết lưu hành trong khoảng 30/12/2021 - 31/12/2022 được tự động gia hạn đến 31/12/2022, “doanh nghiệp không phải làm thêm bất kỳ thủ tục gì”