Bên cạnh những vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện (BV) còn vấp phải nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, liên doanh liên kết, rất cần sự hỗ trợ từ các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế mới có thể tháo gỡ được.
Chưa tính đủ chi phí trong giá dịch vụ
Cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP) từ ngày 15/8/2021. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60, nên các BV gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Giám đốc một BV chia sẻ: Đến thời điểm hiện tại, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước mới được tính 2/4 yếu tố chi phí, là tiền lương và chi phí trực tiếp (chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định chưa được tính vào giá dịch vụ sự nghiệp công). Một số BV được Bộ Y tế giao tự chủ chi thường xuyên nên nguồn ngân sách không thường xuyên cấp để sử dụng mua sắm trang thiết bị y tế hầu như không có. Do vậy, toàn bộ chi phí chưa được kết cấu trong giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các BV phải tự cân đối từ các nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước để bù đắp.
Vị giám đốc cho biết thêm về mức tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương tính trong giá dịch vụ y tế: Hệ số lương của bác sĩ, điều dưỡng đang kết cấu trong giá dịch vụ quy định tại thông tư 39/2018/TT-BYT; Thông tư 13/2019/TT-BYT; Thông tư 37/2018/TT-BYT; Thông tư 14/2019/TT-BYT theo hướng dẫn tại Quyết định 3959/ QĐ-BYT ngày 22/9/2015 ban hành định mức nhân lực và thời gian thực hiện một số dịch vụ khám, chữa bệnh, bác sĩ hệ số tính vào giá là 3.7, điều dưỡng hệ số tính vào giá là 2.7, mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/1 tháng tương đương mức lương của bác sĩ 5,5 triệu đồng/ 1 tháng, điều dưỡng 4 triệu đồng/1 tháng.
"Nội dung công việc của điều dưỡng theo Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế yêu cầu chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh phải đạt tiêu chí cao, tương đương với chất lượng dịch vụ quốc tế về y tế, trong khi mức lương của bác sĩ và điều dưỡng tính vào giá dịch vụ y tế quá thấp như vậy sẽ không thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng đối với các BV khối công lập” – Giám đốc một BV tuyến Trung ương chia sẻ.
Ca mổ nội soi khớp gối ở BV Việt Đức
Văn bản pháp quy “đá” nhau
Nhiều BV đang rất lúng túng trong vấn đề liên doanh, liên kết, xã hội hoá. Lý do là các văn bản hướng dẫn hoạt động sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, xã hội hóa đối với các đơn vị y tế công lập còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung, như quy định chi tiết về quy trình tổ chức lựa chọn đối tác để thực hiện liên danh, liên kết, cho thuê tài sản; hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự tuyển, các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự tuyển, quy trình đánh giá, thẩm định, trình và phê duyệt kết quả lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản; cách xác định giá trị thương hiệu đối với các bệnh viện công lập; giá cho thuê mặt bằng của đơn vị sự nghiệp công khi đưa vào hoạt động liên doanh, liên kết, v.v.
Lãnh đạo một BV ví dụ về sự chưa đồng bộ của các văn bản: Tại Mục b Khoản 4 Điều 45 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ghi “Xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường”, trong khi Điều 22 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 thì ghi “Thẩm quyền và trách nhiệm định giá” do Chính phủ quy định gồm: Khung giá đất; Khung giá cho thuê mặt nước; Khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ .
Với các văn bản này, phải xác định giá cho thuê mặt bằng theo giá thị trường, nhưng nếu các BV lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm định giá để thẩm định giá trị cho thuê mặt bằng thì lại không đúng với quy định của Luật giá số 11/2012/QH13.
Việc xác định giá cho thuê mặt bằng theo thị trường như vậy sẽ dẫn đến cùng một dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên cùng một thiết bị, nhưng thực hiện ở vị trí địa lý khác nhau thì giá sẽ khác nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Nhận thiết bị tặng cũng khó
Một vấn đề cũng đang rất “nóng” với các BV là việc lập quyền sở hữu với thiết bị được tặng. Đó là khi các thiết bị trong liên doanh liên kết hết thời hạn, nhà đầu tư muốn tặng lại BV để tiếp tục sử dụng, nhưng các BV đang khó nhận được, vì hồ sơ xin xác lập quyền sở hữu toàn dân theo hướng dẫn của Nghị định 29/2018/NĐ-CP lại chưa có bảng kê giá trị của tài sản.
Giữa đại dịch COVID-19, các thầy thuốc vẫn luôn tận tụy phục vụ nhân dân
Đại diện BV Việt Đức cho biết, BV Việt Đức cũng được tặng thiết bị, nên để đủ hồ sơ tiếp nhận, BV đã có thư mời các đơn vị có chức năng thẩm định giá gửi bản chào giá cung cấp dịch vụ, đồng thời, đăng thông tin tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm định giá trên báo nhiều lần, nhưng đến nay, không có đơn vị thẩm định nào tham gia cung cấp dịch vụ thẩm định giá trị còn lại của các thiết bị BV được tặng.
Điều này làm ảnh hưởng đến thời gian xác lập quyền sở hữu toàn dân, nên các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện trên số thiết bị y tế này sẽ bị bảo hiểm y tế từ chối thanh toán, gây tổn thất cho BV.
Một vấn đề nữa mà nhiều BV đang gặp phải là thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nghị định 146/2018/ NĐ-CP quy định tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở y tế hàng năm. Nhưng một số nguyên nhân làm gia tăng tổng mức chi phí khám, chữa bệnh đã không được quy định tại Nghị định trên, như tình trạng bệnh: Tình trạng bệnh khác nhau dẫn đến phương pháp điều trị khác nhau và chi phí điều trị của mỗi phương pháp cũng khác nhau; thay đổi tỷ lệ giữa các mức hưởng BHYT của nhóm đối tượng người bệnh có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh tại các BV năm sau so với năm trước; thay đổi số lượt khám bệnh do thay đổi số lượng ngày cấp đơn dài hơn so với quy định đối với các bệnh mãn tính vì lý do dịch bệnh; thay đổi phác đồ điều trị; thay đổi số người bệnh có nhiều bệnh kèm theo khác nhau dẫn đến chi phí điều trị khác nhau…
Các nội dung đã nêu thực ra mới chỉ sơ phác phần nào những hạn chế, trở ngại từ công tác quản lý nhà nước đối với các BV. "Các BV như mặc một bộ đồ không vừa, không thể bước tiếp vì chật chội và vướng víu" - một người trong cuộc đã ví von đầy hình tượng như vậy.
Để các BV phát triển, góp phần quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân của ngành y tế Việt Nam, rất cần các cơ quan hữu trách, mà trước hết là các cục, vụ chức năng của Bộ Y tế, vào cuộc kịp thời, chủ động, chung tay tháo gỡ những rào cản./.
Thiếu thuốc, bác sĩ bỏ việc và vai trò của quản lý nhà nước (Bài 2): Hành lang pháp lý chưa đồng bộ