Đến nay, chị Đ.T.N (42 tuổi, trú tại quận 12 TP.HCM) vẫn không tin mình mắc căn bệnh Parkinson, chị cho biết mình có dấu hiệu bệnh từ khi 30 tuổi. Chị thường bị run chân tay nhất là khi nghỉ, ai mách đến khám ở đâu chị cũng đi nhưng không ra bệnh. Căn bệnh khiến chị đi lại, nói, viết cũng khó; thi thoảng, cơ bắp của chị cứng đơ lại.
Từ khi mắc bệnh, sinh hoạt cá nhân của chị N. bị ảnh hưởng trầm trọng. Khi đến bệnh viện khám, chị N. giật mình khi nghe bác sĩ bảo chị bị bệnh Parkinson. Bản thân chị cũng không biết đó là bệnh gì nghe tên đã thấy lạ lắm.
Chị T.T.X, (43 tuổi, giảng viên đại học ở TP.HCM) cũng là bệnh nhân lâu năm của bệnh viện. Chị X. được phát hiện bị Parkinson từ 8 năm trước, căn bệnh đã lấy đi tất cả của chị. Để duy trì sự sống chị phải điều trị liên tục, không có thuốc chị không thể đứng, đi lại được, người cứ như đá.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Ngọc Tài, Phó trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mấy năm gần đây, bệnh Parkinson ngày càng trẻ hóa.
Ở Việt Nam người dân và nhân viên y tế ít quan tâm nhận ra dấu hiệu Parkinson ở người trẻ. Hiện bệnh viện đang quản lý 200 – 300 bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi. Nhiều bệnh nhân không được phát hiện sớm, có bệnh nhân có triệu chứng vài năm mới được chẩn đoán bệnh.
Bệnh nhân đang điều trị tại BV Đại học Y Dược TP.HCM.
BS Tài cho biết, bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì sau 5 tới 7 năm khả năng bị tàn phế rất lớn.
Theo thống kê, trên thế giới người mắc bệnh Parkinson ngày càng gia tăng. Năm 2016, có khoảng 6,1 triệu người mắc bệnh, so với năm 1990 chỉ có 2,5 triệu người mắc bệnh (theo tạp chí Lancet Neurology). Đến năm 2019, ước tính Việt Nam có khoảng 85.000 người mắc bệnh Parkinson, tại T.PHCM có khoảng 8.000 người mắc bệnh Parkinson.
BS Tài cho biết bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển nặng dần theo thời gian với các dấu hiệu thường gặp là run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và thăng bằng, gây khó khăn cho các hoạt động sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các triệu chứng chính của bệnh Parkinson bao gồm: run bàn tay, cánh tay hoặc chân, thường khởi phát ở một bên người, run xuất hiện ở tư thế nghỉ, khi thực hiện các công việc thường ngày thì cử động bị chậm chạp, bước chân đi bị chậm và kéo lê bước, rối loạn về thăng bằng...
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa lành hoặc làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn.
Ở giai đoạn đầu, việc điều trị cho người bệnh Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Trong khoảng 4 – 5 năm đầu tiên sau khi khởi phát bệnh, thuốc thường phát huy hiệu quả suốt cả ngày.
Tuy nhiên, khi bệnh Parkinson tiến triển nặng hơn, hiệu quả của thuốc không kéo dài cho đến liều kế tiếp còn gọi là hiện tượng “dao động vận động”.
Khi thuốc hết tác dụng, các triệu chứng của bệnh như run, chậm vận động, đi lại khó khăn có thể xuất hiện trở lại.
Khi người bệnh uống liều thuốc kế tiếp, các triệu chứng lại cải thiện và khoảng thời gian hiệu quả tốt này được gọi là giai đoạn “bật”, trong khi khoảng thời gian mà triệu chứng nặng lên được gọi là giai đoạn “tắt”.
Với bệnh nhân, khi thuốc không còn kiểm soát được các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh thực hiện kích thích não sâu (DBS) giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
BS Tài cho biết phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu cũng được chỉ định khi người bệnh bị rối loạn vận động do tác dụng phụ của thuốc levodopa. Đây là một loại phẫu thuật não trong đó một dây điện mỏng, nhỏ và cách điện (được gọi là điện cực) được đặt vào trong phần sâu của não.
Điện cực được kết nối với một dụng cụ giống như máy tạo nhịp tim được đặt dưới da ở vùng ngực.
Dụng cụ này dẫn truyền các tín hiệu điện tới một vùng trong não giúp kiểm soát vận động. Sự kích thích đối với vùng não này có thể cải thiện giai đoạn “tắt” và giảm loạn động.
Để nâng cao chất lượng sống của người bệnh Parkinson, những điều mà người bệnh nên làm là tập thể dục thường xuyên, chế độ dinh dưỡng hợp lý, giấc ngủ đầy đủ, tham gia sinh hoạt nhóm với các người bệnh khác nhằm chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về bệnh, kết nối với nhân viên y tế chuyên về bệnh Parkinson (bác sĩ thần kinh, bác sĩ dinh dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng) để được tư vấn thích hợp, và góp phần gây quỹ hỗ trợ các hoạt động cộng đồng liên quan với bệnh Parkinson.