(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tăng cao. Nhiều người mắc SXH nhưng nhầm tưởng mắc Covid-19 nên tự điều trị tại nhà, đến lúc nhập viện thì tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng.
|
Bùng phát dịch sốt xuất huyết
Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bình quân mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân truyền nhiễm, trong đó chủ yếu là bệnh SXH. Toàn khoa hiện có 51 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó, có 30 bệnh nhân bị SXH, riêng huyện Lý Sơn có 10 ca. "Đa số bệnh nhân bị SXH từ tuyến dưới chuyển lên đều chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, tiểu cầu hạ thấp, men gan tăng cao. Trước khi nhập viện, chúng tôi phải khai thác yếu tố dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhân bị SXH, viêm màng não, viêm gan B... khá nhiều", bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Khoa Bệnh nhiệt đới, cho hay.
Nhân viên y tế Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân.
Đến nay, SXH là bệnh không có thuốc đặc trị. Bệnh nhân mắc SXH phải uống thuốc giảm đau, hạ sốt và xét nghiệm để theo dõi. Những bệnh nhân có tiểu cầu giảm phải truyền tiểu cầu. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Huỳnh Thị Thuận cho hay, để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh viện đã bố trí y, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, kê thêm giường bệnh để điều trị nội trú. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền để điều trị bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế. Đối với bệnh nhân bị SXH, quan trọng nhất là tiểu cầu. Bệnh viện phối hợp với người nhà bệnh nhân, các câu lạc bộ hiến máu, tình nguyện viên để huy động hiến tiểu cầu cứu chữa kịp thời.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn Dương Tiến Thuận, từ tháng 5/2022 đến nay, toàn huyện có 105 ca SXH lưu hành tại 7 ổ dịch trên địa bàn huyện. Trung tâm đã chỉ đạo các khoa, phòng liên quan tập trung theo dõi, chăm sóc, truyền dịch kịp thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân tiểu cầu giảm, chuyển biến nặng phải đưa vào đất liền để điều trị. Trung tâm cũng đã tập trung xử lý các ổ dịch, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch SXH. “Điều đáng lo ngại là một bộ phận người dân còn chủ quan với dịch SXH. Vì vậy, trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH và dịch Covid-19”, ông Thuận cho biết thêm.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết, dịch SXH bùng phát trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên nhiều người dân còn nhầm lẫn giữa bệnh SXH và bệnh Covid-19 dẫn đến nhiều người chuyển biến nặng mới nhập viện. Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở, bệnh viện phối hợp với địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu sự khác biệt giữa triệu chứng bệnh Covid-19 và bệnh SXH để phòng, chống bệnh hiệu quả.
Cách phân biệt triệu chứng bệnh sốt xuất huyết và bệnh Covid-19
Vi rút SARS-CoV-2 được lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc giao tiếp, tiếp xúc gần. Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 14 ngày, trung bình từ 4 - 5 ngày từ khi có tiếp xúc với mầm bệnh. Triệu chứng ho, khó thở, ngạt mũi; biến chứng nặng là viêm phổi và suy hô hấp. Còn SXH do vi rút Dengue gây nên, lây qua đường máu do muỗi truyền. Vi rút Dengue được truyền từ người bệnh sang người chưa mắc bệnh qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn). Thời gian ủ bệnh từ 3 - 10 ngày, thường là từ 5 - 7 ngày. Triệu chứng SXH là sốt cao liên tục hoặc đột ngột ở mức 39 - 40 độ C, nhức 2 bên hốc mắt, da xung huyết, xuất huyết hoặc sốc do máu bị cô đặc.
|
Bài, ảnh: A.NGUYỆT