Dự hội nghị có GS, TS, Anh hùng Lao động, Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch hội Thalassemia (bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh) Việt Nam; Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Trân, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 103 ( Học viện Quân y ); lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, các cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
GS, TS, Anh hùng Lao động, Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, TS, BS Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng: Thời gian qua, khi đối phó với đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy rõ những điểm mạnh và hạn chế về y tế ở địa phương. Do đó, phải có những giải pháp, hướng đi đúng khắc phục những vấn đề tồn tại.
Thứ nhất là để cải thiện, nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ y tế thì đào tạo là điều đầu tiên phải chú trọng. Thứ hai là đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để phát triển kỹ thuật chuyên môn từ các đơn vị y tế trong và ngoài nước; cùng với đó là không ngừng cải tiến dịch vụ để mang đến chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân.
“Hội nghị tập huấn y khoa cập nhật xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán - điều trị mà Sở Y tế Đắk Lắk phối hợp cùng MEDLATEC - đơn vị y tế tư nhân được đánh giá cao trong lĩnh vực chẩn đoán là bước đi đầu trong kế hoạch thực hiện chiến dịch “chuyển mình” mà ngành y tế Đắk Lắk đề ra”, TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Tham luận tại hội nghị, Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Trân cho biết, xét nghiệm cận lâm sàng có vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong công tác khám, chữa bệnh tại các đơn vị y tế.
Trong đó, 4 ứng dụng đặc biệt quan trọng của xét nghiệm đó là: Xét nghiệm sàng lọc - Đối với người chưa có biểu hiện bệnh nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao, thông qua chỉ số xét nghiệm giúp phát hiện sớm hoặc dự báo nguy cơ xuất hiện bệnh. Nhóm xét nghiệm thường dùng đối với bệnh phổ biến, bệnh có phương pháp điều trị hiệu quả, ví dụ: Xét nghiệm PSA (chỉ số giúp phát hiện ung thư tiền liệt tuyến ngay từ giai đoạn đầu) ở nam giới trên 55 tuổi; CA 125 (đo hàm lượng kháng nguyên ung thư của protein trong máu) ở nữ trên 50 tuổi; xét nghiệm sàng lọc trước sinh…
Đại tá, PGS, TS Phạm văn Trân, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) tham luận tại hội nghị.
Ngoài ra còn có xét nghiệm chẩn đoán bệnh; xét nghiệm theo dõi phục vụ điều trị và xét nghiệm theo dõi sau điều trị. Đại tá, PGS TS Phạm Văn Trân cho biết, trong quá trình từ tiền hôn nhân, hôn nhân, thai nhi, sơ sinh, trẻ em đến người trưởng thành, mỗi người nên thực hiện các nhóm xét nghiệm cần thiết để bảo đảm sức khỏe, tránh các bệnh có thể mắc phải.
Về cập nhật xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh viêm gan do virus, TS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Virus viêm gan gồm A, B, C, D, E, trong đó nhiễm viêm gan B (HBV), C (HCV) là nguyên nhân chính gây bệnh gan mạn tính, đây cũng là nguyên nhân của 90% trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Việt Nam nằm trong khu vực nhiễm virus viêm gan B cao trên thế giới, bệnh tiến triển sẽ gây ra suy gan cấp, xơ gan, ung thư gan…Vì vậy, xét nghiệm sàng lọc giúp phát hiện sớm các trường hợp mắc viêm gan B có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tình trạng, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng.
TS Trần Văn Giang đã chia sẻ tới hội nghị về các đối tượng cần khám sàng lọc, các xét nghiệm được chỉ định để sàng lọc bệnh viêm gan B, các bước xét nghiệm ở bệnh nhân nhiễm viêm gan B… Cùng với đó là các thông tin cập nhật về bệnh viêm gan C, những kinh nghiệm điều trị bệnh viêm gan C, ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị…
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC cho biết, bên cạnh xét nghiệm, kết quả chẩn đoán qua hình ảnh cũng là phương tiện quan trọng để phát hiện nguy cơ, các bệnh lý nguy hiểm.
Do đó, MEDLATEC đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Công nghệ sẽ cho phép chẩn đoán hình ảnh từ xa (hệ thống MEDIM), trong đó tập hợp các chuyên gia giàu kinh nghiệm để thực hiện khám, chẩn đoán bệnh qua siêu âm, chụp X-quang, siêu âm 4D, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính… Công nghệ này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực chuyên gia, cải thiện chất lượng, dịch vụ khám, chữa bệnh và hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực.
Tin, ảnh: LÊ HIẾU