TTO - Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
- Không muỗi, không lăng quăng = không sốt xuất huyết!
- TP.HCM: Sốt xuất huyết dù giảm vẫn còn hơn 2.500 ca/tuần
- Sốt xuất huyết ở Đồng Nai tăng 280%, dự kiến còn kéo dài tới cuối năm
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong tuần 35 (29-8 đến 4-9), cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc
sốt xuất huyết
. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong), số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%; trong đó, 6.784 trường hợp nhập viện, giảm 18,7% so với tuần trước.
Tuy nhiên tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng.
Nhiều cơ sở y tế ở phía Nam thời gian qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở...
Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch.
Nhiều bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong tăng cao
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó.
Nguyên nhân, theo ông Cấp, có thể do đặc tính của chủng vi rút Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau mắc COVID-19, có các thay đổi về miễn dịch, ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ngoài ra do suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị COVID-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ "quên" kiến thức về sốt xuất huyết.
Với bệnh sốt xuất huyết, quá trình cấp cứu với bệnh nhân nặng đòi hỏi sự liên tục, phải được xử lý theo dõi sát từng 20-30 phút, thậm chí 5-10 phút/lần. Tuy nhiên, một số nơi không chú ý điều đó.
Bởi vậy sau khi xử lý bệnh nhân ổn đã chuyển lên tuyến trên, nhưng nếu trên đường vận chuyển không đảm bảo được việc tiếp tục theo dõi và điều trị sâu sát, bệnh nhân có thể tái sốc hoặc có biến chứng xảy ra ngay trên đường vận chuyển...
TTXVN