Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, mặc dù đã ghi nhận biến thể mới BA.5 của chủng Omicron với tốc độ lây lan mạnh hơn, song chưa có bằng chứng khẳng định chủng mới gây bệnh nặng hơn.
Người dân nên đi tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại vì vaccine vẫn có hiệu lực với biến thể mới
Tin liên quan
Tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine Covid-19: “Vũ khí” chống lại biến thể mới BA.5
Hà Nội xuất hiện biến thể BA.5 tại cộng đồng
Sáng 7/7: Biến thể BA.4, BA.5 đã xâm nhập nhưng hàng chục tỉnh vẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 chậm
Trao đổi với báo chí về diễn biến dịch Covid-19 tại Thủ đô hiện nay, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5. Những ca nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đầu tiên trên địa bàn được báo cáo từ bệnh viện Bạch Mai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến chủng này được dự báo có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ. Tại Hà Nội, trong khoảng 1 tuần qua, trung bình ghi nhận 220 ca bệnh/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước, không có tử vong.
Ông Tuấn cho biết, mặc dù đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 với tốc độ lây lan mạnh hơn, song chưa có bằng chứng khẳng định chủng mới gây bệnh nặng hơn. Hiện ngành Y tế tiếp tục giải trình tự gen để đánh giá dịch tễ trên từng địa bàn.
Đáng chú ý, cùng với nguy cơ làn sóng dịch do biến chủng mới thì làn sóng dịch do biến chủng cũ cũng trỗi dậy do miễn dịch đang giảm dần kéo theo nguy cơ gia tăng các ca tái nhiễm. Do đó, biện pháp phòng dịch quan trọng nhất hiện nay là tiêm vaccine.
Trên phạm vi cả nước, hiện Bộ Y tế đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của Covid-19 để chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, số mắc Covid-19 tăng trở lại trong thời gian gần đây là vì giảm miễn dịch do mắc phải hoặc do tiêm vaccine, người dân chủ quan không áp dụng 5K khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao thương... Vì thế, người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc miễn dịch do vaccine suy giảm thì sẽ nhiễm lại.
"Đặc biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch. Những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Diễn biến này tại nước ta cũng giống với nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua số ca mắc Covid-19 tại nước ta giảm sâu, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Một vấn đề nữa là hiện nhiều người không còn thói quen đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, trong không gian kín… Ông Phu khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang bởi điều này rất nguy hiểm.
Vị chuyên gia này cho rằng, lúc này chúng ta cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang: có thể đeo khẩu trang y tế và cả khẩu trang vải; có thể không cần phải đeo khẩu trang ở môi trường thoáng khí như khi tập thể dục, khu vực ngoài trời, không tiếp xúc gần; tuy nhiên tại những khu vực nguy cơ cao như phòng kín, tiếp xúc gần với người có triệu chứng hay tại nơi đông người thì nên đeo khẩu trang để phòng bệnh…
Nguồn Tin: