Chiều 27/6, Bộ Y tế đã tổ chức buổi cung cấp thông tin báo chí về tăng cường tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4.
Gần 53% ca Covid-19 tử vong chưa được tiêm vaccine Covid-19
Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nghiên cứu trên 32.000 ca Covid-19 tử vong tại nước ta cho thấy, có đến gần 53% số ca tử vong chưa tiêm bất cứ mũi vaccine Covid-19 nào.
"Nhiều nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 trước dịch Covid-19. Vaccine Covid-19 chính là yếu tố quyết định giúp chúng ta chống dịch Covid-19 hiệu quả cho đến hiện nay", TS Dương nhấn mạnh.
TS Vương Ánh Dương khẳng định, tiêm vaccine Covid-19 làm giảm nguy cơ tử vong mạnh. Ảnh CTV
TS Dương cũng cho biết, đa số người dân Việt Nam đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Các nghiên cứu cho thấy, sau 3 tháng tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 thì hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần. Sau 3 tháng hiệu quả bảo vệ chỉ còn 51%, sau 4-5 tháng hiệu quả tiếp tục giảm, thậm chí chỉ còn 10-20%.
"Do đó, người dân nào đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản đã được 3 tháng cần tiêm mũi 3 nhắc lại. Ai đã nhắc lại mũi 3 được 3 tháng thì nên tiếp tục tiêm mũi 4, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 và nếu mắc Covid-19 có thể bệnh nặng", TS Dương khuyến cáo.
Theo TS Dương, hiệu quả bảo vệ của mũi 4 được nghiên cứu làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 (trên 52%), nếu mắc sẽ không có triệu chứng (61%), khỏi nguy cơ nhập viện (72%), nếu có triệu chứng nặng thì sẽ giảm nguy cơ tử vong (76%)…
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Về hiệu quả của liều tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại, PGS Hồng cũng khẳng định, tiêm nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.
"Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới", PGS Hồng nhấn mạnh.
Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19 rất thấp
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều người dân đang chủ quan, không muốn đi tiêm mũi nhắc lại.
Người dân cần tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại để tăng cường hiệu quả bảo vệ khỏi Covid-19 (Tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh BYT)
"Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc", GS Lân nói.
PGS Hồng cũng chia sẻ, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế. Phản ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi... tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản.
Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, được ghi nhận với tỉ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine Covid-19.
Tại cuộc họp, đại diện WHO khuyến cáo sau 4-6 tháng cần tiêm người tăng cường trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao. Theo WHO, giai đoạn này rất quan trọng để Việt Nam thực hiện tiêm liều tăng cường cho người dân.
"Chúng ta không thể coi Covid-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả tiêm vaccine Covid-19 rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Trên toàn cầu các biến thể mới ngày càng gia tăng làm tăng số mắc trên toàn cầu", chuyên gia WHO lưu ý.