Trang Chủ > Sức khỏe > Sau cơn co giật, cô gái trẻ bàng hoàng phát hiện ung thư giai đoạn cuối

Sau cơn co giật, cô gái trẻ bàng hoàng phát hiện ung thư giai đoạn cuối

Sức Khỏe và Đời Sống
28/06/2022 21:22:59

Gia đình chị cho biết, trước khi vào viện 2 ngày, chị xuất hiện cơn co giật toàn thân khoảng 3 phút sau đó tê yếu nửa người trái.

Cô gái trẻ không sốt, không đau ngực, không khó thở, không ho ra máu. Đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng liệt không hoàn toàn nửa người trái, cơ lực 4/5, chị được chụp cộng hưởng từ sọ não, phát hiện u não vùng thùy trán phải.

Các bác sĩ cho hay bệnh nhân này có tiền sử khoẻ mạnh, không dị ứng, không hút thuốc, gia đình chưa ai phát hiện gì đặc biệt.

Các xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu hay sinh hoá máu (chức năng gan, thận) của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, chất chỉ điểm ung thư (Tumor markers) lại tăng. Cụ thể: CEA: 12,71 ng/ml (bình thường: < 5 ng/ml, Cyfra 21-1 2,4 ng/ml (bình thường: < 2,08 ng/ml)

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay bệnh nhân được chụp chiếu đánh giá và chẩn đoán ung thư phổi trái  di căn não giai đoạn IV.

Sau cơn co giật, cô gái trẻ bàng hoàng phát hiện ung thư giai đoạn cuối-1

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy khối u thùy trái phải, có hoại tử chảy máu bên trong u, gây hiệu ứng khối và phù não xung quanh.

Tuy nhiên, với tổn thương di căn não gây chèn ép dẫn đến co giật nhiều lần/ngày (mặc dù đã được điều trị thuốc chống động kinh) và trên hình ảnh cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính sọ não tổn thương chảy máu trong u nên bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy bỏ khối u não cấp cứu.

Hậu phẫu ổn định bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.

BS. Phương cho hay sau 1 tháng điều trị bệnh nhân tỉnh táo, không xuất hiện co giật, không đau tức ngực, không khó thở, không đau đầu, tình trạng liệt ½ người trái cải thiện dần. Sau 3 tháng bệnh nhân ổn định, hết liệt ½ người trái.

Hiện tại sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân ổn định, không đau ngực, không khó thở, không đau đầu, không yếu liệt, sinh hoạt bình thường.

Theo các chuyên gia, ung thư phổi không tế bào nhỏ là một trong những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam, đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (sau ung thư gan).

Bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV). Điều trị toàn thân là hướng điều trị chủ yếu ở giai đoạn này, bao gồm: hóa chất, xạ trị triệu chứng, điều trị miễn dịch. Lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc thể trạng, giai đoạn bệnh và loại mô học cũng như các xét nghiệm đột biến gene của từng bệnh nhân.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa là một bệnh lý ác tính có tiên lượng xấu, nhưng theo PGS. Cẩm Phương, từ khi có điều trị cá thể hóa tùy theo từng người bệnh với các đột biến gene khác nhau thì đáp ứng với các phương pháp hóa trị, điều trị đích, miễn dịch khác nhau.

Với việc áp dụng các tiến bộ mới này, thời gian sống còn của bệnh nhân đã được kéo dài đáng kể và tác dụng phụ chấp nhận được mà bệnh nhân trên đây là ví dụ điển hình.

Sau cơn co giật, cô gái trẻ bàng hoàng phát hiện ung thư giai đoạn cuối-2

3 nhóm người cần tầm soát ung thư phổi

SKĐS - Những người hút thuốc 20 bao/năm hoặc nhiều hơn; hiện tại đang hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây; tuổi từ 50 – 80 là nhóm nên tầm soát ung thư phổi - loại bệnh nguy hiểm, thường gặp ở nước ta.