TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, khẳng định nếu phẫu thuật thành công, dây chằng được tái tạo thì sau mổ, người bệnh hoàn toàn có thể chơi thể thao trở lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho dây chằng, dây chằng được phục hồi ổn định, vững chắc, người bệnh cần trải qua 2 giai đoạn là phục hồi chức năng và y học thể thao.
Hình ảnh dây chằng nhân tạo sau khi được thực hiện phẫu thuật nội soi ghép vào cơ thể. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Giai đoạn một: 3 tháng phục hồi chức năng
Tháng đầu tiên sau phẫu thuật bác sĩ sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề phù nề xung quanh mô mềm, sưng nề bên trong khớp gối; đảm bảo giữ được sức cơ, tránh hiện tượng teo cơ; bảo tồn sụn khớp; giảm đau sau mổ; khôi phục dáng đi bình thường... cho người bệnh. Trong trường hợp đứt dây chằng chéo kèm theo tổn thương các thành phần khác, người bệnh sẽ được tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc chất nhờn nhân tạo vào khớp gối để bảo tồn sụn khớp, ngăn ngừa biến chứng thoái hóa khớp . Ngược lại, nếu chỉ bị đứt dây chằng và không có những tổn thương khác, người bệnh có thể luyện tập đi lại ngay sau mổ. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng nẹp trong một tháng này.
Qua tháng thứ hai, tình trạng phù nề đã giảm, gần như mô, xơ và các tổn thương bắt đầu lành lại. Lúc này, việc tập luyện phục hồi chức năng sẽ tiến vào giai đoạn tăng tốc, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các bài tập lấy lại sức cơ, độ nhanh nhẹn và cảm giác của chân. Tuy nhiên, các mảnh ghép dây chằng vẫn còn rất yếu do chưa liên kết lại hoàn toàn với nhau. Vì vậy, việc tập luyện cần đảm bảo nguyên tắc hiệu quả nhưng vẫn bảo vệ dây chằng.
Mục tiêu ở giai đoạn cuối của phục hồi chức năng là tập để các khối cơ nở ra trở lại với các chương trình tập mạnh hơn.
Tiến sĩ Nam Anh lưu ý, chương trình tập luyện sẽ phụ thuộc vào từng tình trạng cụ thể. Có những trường hợp sau khi mổ, gối sưng nhiều, đặc biệt là khi vận động, chỉ xẹp xuống vào lúc nghỉ ngơi. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiềm ẩn, xảy ra khi có vi khuẩn nằm trong khớp nhưng không đủ mạnh để gây ra hiện tượng tích tụ mủ mà chỉ làm sưng màng bao khớp. Ngoài ra, hiện tượng sưng gối còn có thể là do phản ứng chống lại những vật lạ như các mảnh ghép, ốc vít... của cơ thể. Lúc này, bác sĩ sẽ phải điều trị tình trạng sưng gối trước khi bắt đầu thực hiện phục hồi chức năng.
Giai đoạn 2: 12 tháng y học thể thao
Với các bài tập phục hồi chức năng ở 3 tháng đầu, người bệnh sẽ khôi phục chức năng dây chằng , sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu mong muốn quay lại với các môn thể thao, người bệnh cần thêm khoảng 12 tháng rèn luyện cùng các bác sĩ y học thể thao.
Ở giai đoạn này, các bác sĩ sẽ đánh giá và đề xuất các bài tập để khắc phục tình trạng teo yếu cơ, cân bằng sức mạnh các khối cơ ở hai bên đầu gối, cân bằng hai bên trục cơ thể. Đồng thời, các bài tập ở giai đoạn này còn cải thiện độ linh hoạt để người bệnh có thể chơi thể thao trở lại.
Người bệnh tập phục hồi chức năng sau 4 tháng kể từ khi phẫu thuật tái tạo dây chằng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Tiến sĩ Nam Anh nhấn mạnh, kỹ thuật mổ và luyện tập sau mổ là hai yếu tố cốt lõi làm nên thành công của một ca phẫu thuật tái tạo dây chằng. Cụ thể, phẫu thuật giúp khắc phục những tổn thương ở dây chằng, sụn khớp... Trong khi đó, luyện tập sau mổ làm phục hồi chức năng của dây chằng và sức mạnh các cơ, giúp người bệnh khôi phục khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày và ngăn ngừa biến chứng.
Phi Hồng