Nhân viên y tế đang chịu nhiều áp lực sau 2 năm chống dịch đầy khó khăn. Ảnh: TT
Áp lực từ kinh tế tới các vụ án
Tại phiên thảo luận Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng vừa qua, đại biểu Lê Thị Kim Hồng cho biết, theo báo cáo của các địa phương trong toàn quốc, giai đoạn từ 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Có thể nói làn sóng nghỉ việc của năm 2022 cao hơn năm 2021, ngành y tế đối mặt với việc thiếu hụt nhân sự. Trong đó, Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc với 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế.
Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỉ lệ nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao. Đây là thách thức của ngành y tế khi nhu cầu khám chữa bệnh tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống, nhất là ở các cơ sở y tế dự phòng. Trong khi đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực của các y tế ở hệ thống y tế tư nhân đang làm rất tốt.
Bên cạnh đó, áp lực công việc, cường độ công việc cao, nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh, nguy hiểm tính mạng. Thậm chí, nhân viên y tế đang bị ảnh hưởng, tác động bởi các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong mua sắm và đấu thầu gần đây.
Trao đổi thêm về vấn đề này, chị Nguyễn T.M, nhân viên y tế công tác tại một Trạm y tế tại quận Sơn Trà cho biết, thời gian dịch bệnh COVID-19, hàng vạn nhân viên y tế phải rời xa gia đình để tham gia chống dịch.
“Ngay bản thân tôi có con nhỏ chưa được 6 tháng cũng đành để con lại cho chồng chăm sóc mà chốt trực ở cơ quan, theo dõi điều trị F0 tại nhà, lúc đi làm cũng nghe sẽ được hỗ trợ nhưng đến nay sau những vụ việc liên quan đến tham nhũng, đấu thầu, bắt bớ trong ngành y tế, không ai dám nhắc đến việc kinh phí hay tiền hỗ trợ nữa. Tinh thần làm việc của mọi người cũng chán nản hơn vì sợ, ai cũng co cụm lại” - chị M cho hay.
Cần đề án thu hút nhân lực, lập trung tâm đấu thầu tập trung
Đại biểu Lê Thị Kim Hồng đề nghị, Sở Y tế cần đánh giá, xây dựng và đề xuất các chính sách dành cho bác sĩ và nhân viên y tế như hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho nhân lực tuyến cơ sở để thu hút bác sĩ đa khoa và sau đại học và chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp từng tuyến y tế.
“Việc đảm bảo, thuốc, vật tư y tế cũng là điều kiện để đảm bảo cho y bác sĩ có khả năng cống hiến, điều trị cho người bệnh. Thiếu y bác sĩ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, dù là giải pháp trước mắt và lâu dài nhưng giải pháp nào cũng phải chú trọng tăng cường sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập thì mới giữ chân được nhân viên y tế” - Đại biểu Hồng nói.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thanh Thuỷ - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố - cho biết, tính theo tỉ lệ bác sĩ thì Đà Nẵng đạt 17 bác sĩ/vạn dân cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
“Tuy nhiên sau 2 năm phòng chống dịch với rất nhiều khó khăn, nhân viên y tế phải trải qua nhiều áp lực về thể chất, tinh thần và đã có nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã có 153 nhân viên y tế nghỉ việc” - bà Thuỷ nói.
Để khuyến khích động viên lực lượng y tế yên tâm công tác với hệ thống công lập thành phố cần có những chính sách hỗ trợ dài hơi.
Hiện nay, trên cơ sở những chính sách đã thực hiện thời gian qua, ngành Y tế đang rà soát những chế độ chính sách này để có đề xuất tổng thể. Sở Y tế kiến nghị thành phố tiếp tục thực hiện đề án thu hút nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn năm 1998 đến 2019, nhờ chính sách này ngành Y tế đã tiếp nhận 226 nhân lực y tế có chất lượng cao, có giá trị trong việc phát triển chuyên môn. Tuy nhiên đề án này cũng cần điều chỉnh điều kiện tiêu chuẩn để phù hợp với tính đặc thù của ngành y tế hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng xin thành phố hỗ trợ kinh phí trong việc triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu để phát triển, nâng cao năng lực cho tuyến dưới…
“Điều lo ngại lớn nhất của ngành y tế là việc mua sắm thuốc, vật tư y tế đúng pháp luật mà cung cấp kịp thời và phù hợp chuyên môn của các đơn vị. Đặc biệt là mua sắm về vật tư y tế, hoá chất khi mà hiện nay chưa có quy định chuẩn về danh mục hàng hoá, chưa thống nhất về giá vật tư y tế trên thị trường
Bên cạnh đó những quy định mới, đặc biệt là nghị định 98 có hiệu lực từ 1.4.2022 quy định không mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Điều này phụ thuộc việc doanh nghiệp kê khai giá thì mới mua sắm được mà giá cả biến động thị trường. Thông thường, việc đấu thầu rộng rãi kéo từ 6 đến 9 tháng.
Nếu những khó khăn này không được tháo gỡ thì ngành y tế khi an tâm khi thực hiện mua sắm hiện nay.
Ngành y tế cũng đã có đề xuất thành lập trung tâm mua sắm tập trung để tạo điều kiện cho Sở Y tế trong việc quản lý nhà nước, thực hiện các hoạt động chuyên môn theo nhiệm vụ được giao” - bà Thuỷ đề xuất.