Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế Việt Nam gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát
V iệt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ (ĐMK). Tuy nhiên, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó với bệnh trong trường hợp dịch bùng phát và lây lan trong nước.
Nguy cơ bệnh xâm nhập rất lớn
Từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh ĐMK diễn biến lâm sàng không điển hình, không đặc trưng, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Trước diễn biến này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh ĐMK. Trước đó, tình trạng này đã được ban bố với dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Việt Nam đang ở nhóm 1 tức là chưa có ca bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ ca bệnh xâm nhập là rất lớn. Bộ Y tế đang xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh ĐMK tại địa phương. Với bệnh ĐMK, đến nay thế giới chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin đặc hiệu cho bệnh.
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế cũng đang phối hợp WHO và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (US CDC) về việc sử dụng vắc-xin ĐMK bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng thời điểm.
Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho các cơ sở y tế về sàng lọc, phân loại và điều trị, trong đó tuyến xã, huyện sẽ điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca bệnh biến chứng. Cùng với đó, có hướng điều trị và giám sát ca bệnh tại cửa khẩu cũng như nội địa để phát hiện sớm và xử lý các trường hợp, hạn chế việc tiếp xúc, không để dịch bệnh lây lan.
GS Lân cho biết với bệnh ĐMK, hiện các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm biện pháp y tế cộng cộng (giám sát, phát hiện, theo dõi người tiếp xúc để hạn chế sự lây lan) và tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, với vắc-xin phòng ĐMK, WHO khuyến cáo không sử dụng rộng rãi vì đã có biện pháp khác, nhất là trong bối cảnh tính lây truyền của ĐMK ít hơn so với các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Hơn nữa, các vắc-xin ĐMK hiện đang trong quá trình tiếp tục đánh giá hiệu lực. WHO đang chuẩn bị cho nhập về Việt Nam các sinh phẩm để xét nghiệm. Hiện một số viện, bệnh viện đã làm chủ kỹ thuật xét nghiệm này, kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng 3 giờ.
Để nâng cao năng lực chẩn đoán, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán bệnh ĐMK trong phòng thí nghiệm.
Diễn biến lâm sàng không điển hình
Tại cuộc họp khẩn bàn về các biện pháp ứng phó với dịch ĐMK vừa diễn ra giữa Bộ Y tế với các chuyên gia WHO và US CDC, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, cho biết thời gian ủ bệnh ĐMK từ 6-13 ngày sau khi phơi nhiễm nhưng có thể kéo dài từ 3-21 ngày.Về triệu chứng, 88% bệnh nhân có biểu hiện phát ban, 44% sốt, 33% phát ban ở sinh dục; 27% có sưng nổi hạch ngoại biên. Các triệu chứng không điển hình khác là ho, đau họng, nôn, đỏ mắt…
Giai đoạn đầu tiên, từ 1-3 ngày, người bệnh có thể có triệu chứng sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi và có sưng nổi hạch. Giai đoạn 2 tức là sau 1-3 ngày, người bệnh có biểu hiện của phát ban trên da. Phát ban đi theo trình tự khá phổ biến, đầu tiên là những phát ban lớn sau đó lan rộng, xuất hiện bọng nước, có thể có mủ. Sau đó, nốt phát ban này vỡ thành sẹo nên việc chăm sóc vết thương phát ban này rất quan trọng.
"Với bệnh ĐMK, diễn biến lâm sàng không điển hình, không đặc trưng, gây nhiều khó khăn cho chẩn đoán, đặc biệt là ở những nơi chưa được báo cáo có ca mắc" - bác sĩ Hồng Hiên khẳng định. Chuyên gia của WHO cũng khuyến cáo Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly và quản lý ca bệnh, để hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.
Chuyên gia của WHO và US CDC họp với các chuyên gia của Việt Nam bàn phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ. Ảnh: Trần Minh
Các chuyên gia dịch tễ cho biết bệnh ĐMK là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Việc lây nhiễm ĐMK phụ thuộc tần suất tiếp xúc với vết thương, dịch cơ thể, nếu tiếp xúc trên bề mặt của người bị nhiễm, nhất là vết thương trên bề mặt da thì khả năng bị lây nhiễm cao hơn.
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng lưu ý bệnh ĐMK thường khỏi sau vài tuần, tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng ĐMK phần lớn từ các nốt phát ban, nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến hệ thống khác như phổi, gây ra viêm nhiễm, mất nước, thậm chí nhiễm trùng máu, viêm não.
Giám sát người nhập cảnh
Ngày 25/7, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh ĐMK. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán. Khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm chẩn đoán.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh ĐMK; phối hợp Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể; phối hợp HCDC tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh ĐMK cho các cơ sở y tế và các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng chống HIV/AIDS và các phòng khám, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn. Sở Y tế huy động mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế; mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để truyền thông, tư vấn về phòng chống dịch bệnh ĐMK đến từng hộ dân trên địa bàn.
Trẻ em, phụ nữ có thai nguy cơ mắc bệnh cao Bộ Y tế cho biết bệnh ĐMK có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần nhưng hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Theo chuyên gia WHO, virus ĐMK có thể lây lan khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh thông qua các nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy bong từ các vết ban; nước bọt (giọt bắn); quan hệ tình dục. Ngoài ra cũng có thể lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua nhau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh. |
Châu Á tăng cường ứng phó Theo đài CNA, sau khi WHO công bố ĐMK là "Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế - PHEIC", giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á đã kêu gọi các quốc gia tăng cường hệ thống giám sát và các biện pháp y tế công cộng, đẩy mạnh nghiên cứu vắc-xin, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng tại cơ sở y tế. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh tính đến ngày 25/7 khu vực Đông Nam Á của WHO đã ghi nhận 3 ca ĐMK tại Ấn Độ và 1 ca ở Thái Lan. Cạnh đó, khu vực Tây Thái Bình Dương (trải rộng trên một phần châu Á và châu Úc, bao gồm Việt Nam) cũng có khá nhiều nước ghi nhận ca bệnh như Singapore (8 ca), Hàn Quốc (2 ca), Đài Loan - Trung Quốc (2 ca), Úc (42 ca)... Tờ India Express dẫn lời bác sĩ K Shankar, Giám đốc Bệnh viện Sốt ở Hyderabad (Ấn Độ) - nơi đang cách ly 1 bệnh nhân nghi nhiễm ĐMK khác ngoài 3 ca đã xác định của nước này, cho hay bệnh viện đã chuẩn bị từ trước 2 khu cách ly riêng biệt cho nam và nữ để dự phòng trường hợp dịch bệnh gia tăng, đồng thời trấn an người dân rằng căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng. Thái Lan đang xem xét nâng cao hơn nữa cảnh báo sức khỏe đối với bệnh ĐMK bằng cách liệt nó vào nhóm "bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng". Hôm 24/7, nước này đã tăng cường các biện pháp giám sát toàn quốc để đáp lại cảnh báo của WHO, đồng thời tổ chức họp khẩn với các cơ quan y tế để thảo luận về cách ứng phó. Singapore cũng tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã giúp họ phát hiện kịp thời 8 ca bệnh vừa qua, trong đó có 4 ca lây nhiễm trong nước, đồng thời cho biết họ đã "nỗ lực tiếp cận các nhóm nguy cơ", bao gồm những người tham gia các hoạt động tình dục có nguy cơ nhằm truyền thông nâng cao nhận thức. Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho hay nước này sẽ không triển khai tiêm phòng đại trà để ngăn ngừa ĐMK vì "lợi ích mang lại không nhiều hơn nguy cơ mắc bệnh". Điều này cùng quan điểm với WHO và US CDC, cũng không khuyến nghị tiêm phòng đại trà mà chỉ tiêm cho người tiếp xúc với bệnh nhân và nhân viên y tế trực tiếp làm việc với mầm bệnh. A.Thư |