TTO - Theo y khoa, chó cắn cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại và rắn cắn phải truyền huyết thanh kháng nọc rắn, nhưng đến nay nhiều người dân vẫn tin chọn cách đắp lá, chích lể...
- Đắp lá cây chữa rắn cắn, người đàn ông suy đa tạng, hoại tử bàn tay
- Không có kháng huyết thanh, rắn cắn làm sao cứu?
- Bệnh nhi tử vong do rắn cắn: Vì sao bệnh viện không có huyết thanh?
Sau khi bị rắn cạp nia cắn vào đùi, bé trai 13 tuổi được người nhà đưa đến thầy lang chữa trị khiến bệnh trở nặng hơn - Ảnh: BSCC
Đã có không ít người nguy kịch, thậm chí tử vong, vì tự áp dụng phương pháp dân gian tại nhà hay nhờ thầy lang chữa sau khi bị rắn, chó, mèo cắn.
Lấy sạch nọc độc bằng vài cọng rau?
Nhiều trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong, do áp dụng "bí quyết đơn giản" để lấy nọc khi bị chó, rắn... cắn tại nhà hay nhờ thầy lang ở địa phương làm trì hoãn thời gian vàng.
Nguy hiểm ở chỗ dù chưa được kiểm chứng mức độ hiệu quả và an toàn trong việc tự lấy nọc, nhiều tài khoản TikTok đăng tải nhan nhản cách lấy nọc chó cắn, rắn cắn bằng cách lấy cọng rau trai, hoa điệp giã nát để đắp vào vết thương, hay uống nước cốt cọng rau trai, thậm chí lấy đất lăn và bôi lên vết thương.
"Lấy sạch hết nọc chó mà không cần phải đi chích ngừa, không cần phải ăn cữ kiêng mà chỉ với mấy cọng rau trai. Mấy bà có tin không?", TikToker H.P. nhấn mạnh trong những giây đầu tiên của video "bài thuốc dân gian lấy sạch hết nọc chó" dài 38 giây.
Trong đoạn video, người này hướng dẫn nam thì hái bảy đọt cọng rau trai, nữ thì hái chín đọt, sau đó rửa sạch rồi giã nhuyễn, vắt lấy nước và bỏ một tí muối vào để uống. Còn xác của cọng rau trai thì đắp lên vết thương chó cắn. "Nước này thì cũng dễ uống nhưng mà nhớt nhớt, không mùi", người này vừa bịt mũi uống và chia sẻ cảm nhận cá nhân.
Chủ quan dù ở tình huống nguy hiểm
Thời gian qua, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch vì chuyển viện muộn là những trường hợp áp dụng phương pháp dân gian tại nhà hay nhờ thầy lang ở địa phương để lấy nọc rắn cắn, chó cắn...
Điển hình như trường hợp bé trai 13 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương) bị rắn cạp nia cắn vào đùi khi đang nằm ngủ dưới nền nhà. Đến 4h sáng cùng ngày, bé bắt đầu mệt, buồn nôn, nôn ói nhiều, sau đó bắt đầu sụp mi, yếu tứ chi và thở mệt. Thay vì đến bệnh viện, người nhà đưa bé sang thầy lang gần nhà để chữa rắn cắn.
Sau việc này, bé đã phải trải qua điều trị tại ba bệnh viện và được truyền thay thế 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đa giá (do thời điểm này không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia). Sau đó 12 giờ, bệnh nhi cử động nhẹ ngón chân, ngón tay. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới mở mắt và tiếp xúc tốt.
Một trường hợp đáng tiếc khác, sau 3 tháng bị chó cắn vào tay, người đàn ông 62 tuổi ở Quảng Bình bất ngờ xuất hiện các triệu chứng bệnh dại và tử vong. Theo tin từ gia đình, 3 tháng trước con chó của gia đình ông bị ốm nên được ông đưa đi tiêm phòng bệnh.
Trong lúc giữ chó để tiêm phòng bệnh thì ông bị chó cắn vào tay trái, chảy máu; 3 ngày sau khi xảy ra sự việc thì con chó này đã chết.
Thời gian đầu sau khi bị chó cắn, ông tự chữa vết thương, sức khỏe của người đàn ông này hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì. Đến đầu tháng 8 thì xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, nhức đầu, sợ ánh sáng nên gia đình đưa đến bệnh viện và được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh dại và tử vong sau đó.
Vết thương chó cắn tại cánh tay - Ảnh: BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cung cấp
Rắn cắn đến bệnh viện, chó cắn tiêm vắc xin!
Bác sĩ Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết rắn độc cắn là tai nạn khá thường gặp ở nước ta, nhất là vào mùa mưa, trời lạnh nên rắn thường bò vào nhà ở vùng nông thôn.
Khi bị rắn cắn, người dân cần hết sức bình tĩnh và tiến hành rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Khi bị rắn cắn, không nên rạch da nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Lưu ý hạn chế buộc garô phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ bị hoại tử chi bị cắn. Thực tế đã có nhiều trường hợp phải cắt cụt chi vì buộc garô quá lâu và sai vị trí.
Hiện vẫn còn nhiều trường hợp đến viện trễ do áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu như chích hút nọc độc, đắp lá... đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp tím tái, khó thở gia đình mới đưa đến bệnh viện, gây nhiều khó khăn trong điều trị.
Ngoài ghi nhớ các bước sơ cứu ban đầu bị rắn cắn, người dân cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được hay đập chết con rắn thì nên mang theo để giúp xác định chính xác loại rắn cắn, giúp các bác sĩ quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp.
Đối với bệnh dại, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - phó trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết bệnh dại do rhabdovirus là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm.
"Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong 100%", bác sĩ Qui lưu ý.
Thời gian ủ bệnh dại bao lâu?
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho biết thêm thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Đắp lá cây chữa rắn cắn, người đàn ông suy đa tạng, hoại tử bàn tay
TTO - Tự chữa rắn cắn bằng phương pháp truyền miệng đắp lá cây, một người đàn ông bị suy đa tạng (tổn thương, suy giảm chức năng của nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể), vết thương hoại tử, nhiễm trùng nặng nề.
XUÂN MAI