Trang Chủ > Sức khỏe > Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

Zingnews
24/09/2022 11:59:18

Thưa bác sĩ,Việt Nam hiện cóbao nhiêu phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung và đối tượng nào cần thực hiện thủ thuật? Nếu phải phết tế bào cổ tử cung, phụ nữ cần lưu ý điều gì?

Mai Phương (30 tuổi, TP.HCM)

ThS.BS Kiều Lệ Biên - Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Theo thống kê của Globocan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung ở Việt Nam năm 2020 là 6,6/100.000 phụ nữ, chiếm 2,35% tỷ lệ ung thư chung. Tỷ lệ tử vong là 3,4/100.000 người. Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và có 92% trường hợp được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung chủ yếu do virus HPV. Khoảng 80% phụ nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời nhưng chủ yếu nhiễm thoáng qua. Trong đó, khoảng 20% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao, dai dẳng gây nên biến đổi tế bào, cũng là tiền ung thư cổ tử cung. Với nhóm này, chỉ có khoảng 20% tiến triển thành ung thư xâm lấn.

Quá trình nhiễm HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10-15 năm. Trong một số trường hợp hiếm, khoảng thời gian này rút ngắn còn 1-2 năm. Do đó, tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung khi chưa có biểu hiện vô cùng quan trọng.

Tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung khi chưa có triệu chứng rất quan trọng vì khoảng thời gian hình thành và phát triển tổn thương tiền ung thư cổ tử cung tương đối dài (3-7 năm). Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể được điều trị kịp thời, từ đó giảm chi phí và thời gian điều trị, tăng chất lượng cuộc sống.

Từ sau tuổi dậy thì, phụ nữ có quan hệ tình dục đều đối mặt nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Phổ biến nhất ở độ tuổi trên 35 và thường gặp là 45-50 tuổi. Do đó, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo phụ nữ từ 21 tuổi và có quan hệ tình dục nên chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung.

Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung, tùy thuộc kinh tế, điều kiện của từng cơ sở y tế. Phổ biến nhất là phết tế bào cổ tử cung (cổ điển hoặc nhúng dịch), xét nghiệm HPV và quan sát cổ tử cung bằng dung dịch acid acetic (áp dụng tại cơ sở y tế không có sẵn Pap’s và HPV).

Phụ nữ cần nắm những cột mốc cần tầm soát ung thư cổ tử cung: Dựa vào tế bào học (từ 21 tuổi) - xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung 2 năm/lần; dựa vào xét nghiệm HPV đơn thuần (từ 25 tuổi) - 3 năm/lần; dựa vào Cotesting (tế bào học và HPV, từ 30 tuổi) - 5 năm/lần.

Riêng phụ nữ trên 65 tuổi, nếu 3 lần phết tế bào cổ tử cung liên tiếp cho kết quả bình thường; hoặc 2 lần cotesting âm tính; hoặc sau phẫu thuật cắt tử cung vì bệnh lý lành tính có thể ngưng tầm soát. Bệnh nhân có bất thường ở cổ tử cung cần tiếp tục tầm soát đến 25 năm sau điều trị, nhằm phát hiện tái phát tại chỗ.

Hiện nay, có 2 phương pháp phổ biến trong tầm soát ung thư cổ tử cung gồm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap’s test) và xét nghiệm HPV. Cả hai được thực hiện trên tế bào cổ tử cung. Pap’s cổ điển hoặc Pap’s nhúng dịch có khả năng phát hiện những biến đổi tế bào cổ tử cung đến 70%. Phương pháp xét nghiệm HPV được xem là bước tầm soát đầu tay ở một số quốc gia. Nếu phụ nữ thực hiện tầm soát bằng Pap’s và xét nghiệm HPV gọi là Co-testing, có thể tầm soát và phát hiện sớm bệnh lên tới 90-95%.

Ngoài ra, bệnh nhân có thêm giải pháp chẩn đoán bệnh bằng cách soi cổ tử cung và sinh thiết dưới kính soi. Sau khi có kết quả giải phẫu bệnh, tùy theo mức độ, người bệnh có thể được theo dõi hoặc điều trị bằng đốt điện, áp lạnh hay khoét chóp cổ tử cung chẩn đoán và điều trị.

Tầm soát ung thư cổ tử cung là thủ thuật đơn giản, nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt hay sức khỏe của phụ nữ. Bạn được hướng dẫn nằm lên bàn khám phụ khoa, bác sĩ bộc lộ cổ tử cung bằng cách đặt mỏ vịt vào âm đạo. Các tế bào được lấy bằng bàn chải nhỏ, không gây đau hay khó chịu. Sau đó, các tế bào được đặt vào dung dịch đặc biệt để gửi đến phòng xét nghiệm.

Chị em lưu ý thời gian tốt nhất để thực hiện Pap’s test là ít nhất 5 ngày sau khi sạch kinh. Nên đi tiểu trước khi thực hiện xét nghiệm vì bàng quang đầy có thể gây khó chịu. Trong trường hợp bị viêm nhiễm âm đạo, người bệnh nên điều trị trước khi làm xét nghiệm. Đồng thời, từ 2 đến 3 ngày trước khi xét nghiệm, chị em không quan hệ tình dục, sử dụng băng vệ sinh (tampons), thuốc đặt âm đạo, thụt rửa âm đạo.

Sau khi thực hiện Pap’s test, bạn có thể vận động đi lại, ăn uống bình thường. Một số trường hợp âm đạo ra ít huyết dợt sau khi xét nghiệm, nhưng đây là hiện tượng bình thường. Hiếm trường hợp máu chảy nhiều, tuy nhiên nếu bị, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và xử lý.

Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung-1

Phát hiện sớm và điều trị bảo tồn ung thư cổ tử cung giúp nâng cao chất lượng sống của phụ nữ.

Tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, khi người bệnh có kết quả tầm soát bất thường, tùy theo mức độ bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện soi cổ tử cung. Bác sĩ cũng sẽ sinh thiết vùng nghi ngờ và gửi giải phẫu bệnh để chẩn đoán, xác định mức độ sang thương, đồng thời tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như MRI để đánh giá giai đoạn với các trường hợp ung thư xâm lấn.

Tùy theo mức độ tổn thương tiền ung thư cổ tử cung để điều trị bằng phương pháp theo dõi, phá hủy (áp lạnh, đốt điện, laser) hay cắt bỏ sang thương như khoét chóp, điều trị triệt để là cắt tử cung.

Tổn thương tiền ung thư nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi với tỷ lệ cao. Do đó, chị em từ 21 tuổi trở lên nếu đã quan hệ tình dục cần tầm soát ung thư cổ tử cung.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung “Vì sức khỏe cộng đồng” mang đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe người Việt.

Tầm soát giúp phát hiện sớm bệnh tiền ung thư, ung thư cổ tử cung là lợi thế của Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Đơn vị có đội ngũ bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, hệ thống xét nghiệm, thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Ngoài khả năng tầm soát hiệu quả, trung tâm đảm bảo chức năng sinh sản cho phụ nữ mong muốn có con. Độc giả liên hệ website, fanpage, hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: (028)71026789).