Vừa qua, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và cứu thành công ông Hoàng Văn Đương (64 tuổi, trú tại Yên Thanh, Uông Bí) do viêm tụy thể hoại tử nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân này có tiền sử mổ K dạ dày, phải cắt 3/4 dạ dày cách đây 10 năm. Gần đây, 2 ngày trước khi vào viện, ông bỗng thấy mệt mỏi, không đi lại được, đau bụng nhiều, ăn uống kém, thậm chí nôn ngay khi ăn.
Do nghĩ là đau dạ dày, bệnh nhân quyết định tự uống thuốc tại nhà. Tuy nhiên tình trạng đau bụng không đỡ, bệnh nhân thậm chí không ăn uống được.
Người bệnh được điều trị tại khoa Nội Tiêu hóa sau khi sức khỏe ổn định. Ảnh: BVCC .
Lúc này, người bệnh mới được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, mạch nhanh, da xuất hiện vân tím rải rác toàn thân và được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết suy đa tạng do viêm tụy cấp nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân nhanh chóng được cho nhập viện và điều trị hồi sức tích cực nhưng vẫn tiếp tục diễn biến nặng và suy hô hấp. Kết quả chụp CT ổ bụng cho thấy tụy của người bệnh viêm rất nặng và có ổ hoại tử (thể rất nặng trong viêm tụy cấp).
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp thể hoại tử, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.
Sau khi hội chẩn, ê-kíp thống nhất phương án điều trị như lọc máu, thở máy, kháng sinh tối ưu, hút dịch ổ bụng liên tục, cân bằng toan kiểm, bổ sung điện giải…
Sau 8 ngày điều trị tích cực, người bệnh được lọc máu liên tục trong vòng 3 ngày. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, thể trạng ổn, các chỉ số xét nghiệm cũng dần ổn định và được chuyển về khoa Nội Tiêu hóa điều trị nội khoa.
Theo BS Vũ Công Quân, tụy là cơ quan nằm ở vùng thượng vị dạ dày, có chức năng tiết ra dịch để tiêu hóa các loại thức ăn. Khi tụy bị viêm, dịch tụy sẽ tràn ra xung quanh, gây tổn thương nghiêm trọng tụy và các cơ quan khác trong ổ bụng.
Trong các trường hợp mắc viêm tụy cấp, viêm tụy cấp thể hoại tử nhiễm khuẩn là thể nặng nề nhất, nguy cơ tử vong rất cao và đòi hỏi nhiều kỹ thuật Hồi sức tích cực chuyên sâu để điều trị cho người bệnh.