Hội thi "Phụ nữ ngành Y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm" lần thứ nhất do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ Bộ Y tế tổ chức đã trải qua các vòng thi cấp cơ sở và vòng chung kết.
Phát biểu tại đêm chung kết hội thi, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Lực lượng lao động nữ trong ngành y tế chiếm tỉ lệ cao, trên 63% tổng số lao động và tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành. Lịch sử và thực tế đã chứng minh vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ lao động nữ trên mọi mặt trận công tác, đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Các thí sinh trình diễn trang phục áo dài.
Phụ nữ ngành y là những người mẹ, người vợ, người con của ngành Y tế trong 2 năm qua đã gác lại hạnh phúc riêng tư, để lại gia đình với bao nhiêu lo toan, để lại con thơ thậm chí còn rất nhỏ, sẵn sàng xung phong, hi sinh cuộc sống bình yên để đi vào tâm dịch. Tất cả những điều đó chứng tỏ - họ đã sống đúng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thầy thuốc như mẹ hiền".
Đến với vòng chung kết Hội thi "Phụ nữ ngành Y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm" các thí sinh thể hiện không chỉ vẻ đẹp tâm hồn, sự thông minh và nghị lực, trí tuệ, mà chúng ta còn được nhìn thấy họ ở hình ảnh đẹp khác - họ tỏa sáng với nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Hội thi có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ áo trắng "vừa hồng vừa chuyên". Hội thi cũng là dịp để cho tất cả chúng ta được tri ân những hy sinh thầm lặng của các nữ cán bộ, nhân viên y tế và trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, ngành y tế đang cùng với cả nước nỗ lực, phấn đấu để phục hồi và phát triển.
Các thí sinh trong trang phục dạ hội.
29 đóa hoa tươi thắm nhất đại diện cho "Nét đẹp của Ngành Y" trong đêm chung kết sẽ ý thức hơn, nuôi dưỡng và lan tỏa hơn nữa "Nét đẹp ngành Y" vào trong cuộc sống hàng ngày, trong mỗi việc làm và trong chăm sóc sức khỏe, điều trị cho cộng đồng và người bệnh. Tiếp tục bản lĩnh yêu nghề mà mình đã chọn, tiếp tục tạo dựng niềm tin yêu, hình ảnh đẹp của người Thầy thuốc với người dân và xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Thầy thuốc như mẹ hiền".
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐYTVN, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: Nét đẹp ngành y đòi hỏi đẹp từ tâm hồn đến hành động, đẹp cả người và nết. Nét đẹp ngành y là nét đẹp phải được trau dồi, thử thách bản lĩnh, rèn luyện thường xuyên và ứng dụng khoa học, công nghệ. Phụ nữ ngành y rất cần nhận yêu thương từ người thân và gia đình, bạn bè để làm động lực và lan tỏa yêu thương đến người bệnh. Tuy nhiên, yêu thương người bệnh cũng chưa đủ, họ phải có giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có sự tận tâm mới giúp được người bệnh vượt qua nỗi đau và cung cấp dịch vụ tốt nhất. Do đó, tham dự hội thi này chính là thể hiện sự nỗ lực rèn luyện không mệt mỏi của các thi sinh.
Thí sinh Phạm Thị Chung, Kỹ thuật viên Phòng Di truyền - Sinh học phân tử - Trung tâm Huyết Học và Truyền máu (BV Bạch Mai) giành Giải đặc biệt Hội thi.
29 gương mặt thí sinh xuất sắc lọt vào đêm chung kết sẽ trải qua hai vòng thi: trình diễn trang phục áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và trang phục tự chọn. Top 6 thí sinh sẽ được vào vòng thi ứng xử. Kết quả: Giải đặc biệt trao cho thí sinh Phạm Thị Chung (Bệnh viện Bạch Mai); Giải nhất trao cho thí sinh Dương Thị Hồng Vân (Bệnh viện Nhi Trung ương). Ban tổ chức cũng đã trao 4 Giải nhì, 9 Giải ba, 11 Giải khuyến khích.
Ngoài ra, Hội thi cũng đã trao năm Giải ấn tượng giành cho các thí sinh: trình diễn áo dài đẹp nhất; trang phục tự chọn đẹp nhất; trang phục ngành Y đẹp nhất; trả lời ứng xử hay nhất; thí sinh có video clip đẹp nhất.
Tâm sự sau khi giành giải đặc biệt, kỹ thuật viên Phạm Thị Chung xúc động chia sẻ: "Được làm việc và cống hiến tại Bệnh viện Bạch Mai - Một bệnh viện đa khoa hàng đầu và có nhiều truyền thống vẻ vang của ngành y tế Việt Nam là niềm tự hào của tôi. Công việc của tôi có đặc thù riêng là thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm từ phòng khám và các khoa phòng chuyên môn gửi đến.
Kỹ thuật viên Phạm Thị Chung với công việc thường ngày.
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từ những khâu nhỏ như nuôi cấy tế bào, thu hoạch tế bào, nhuộm tiêu bản, tách DNA, mix Gen và phân tích kết quả. Mỗi nghề nghiệp, mỗi vị trí chuyên môn có một đặc thù riêng.
Mặc dù làm việc trong môi trường độc hại nhưng càng làm việc tôi càng yêu nghề, yêu công việc, tích cực trau dồi tay nghề, chuyên môn và kinh nghiệm. Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã luôn mơ ước được khoác bộ trang phục blouse trắng và phấn đấu hết mình vì sứ mệnh cao cả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nên dù ở vị trí nào cũng luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, y đức, ngày đêm âm thầm nuôi dưỡng sự sống giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật, thắp sáng thêm hy vọng và niềm tin vào chất lượng dịch vụ y tế".
Hội thi "Phụ nữ ngành Y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm" lần thứ nhất kết thúc, tuy không có vương miện như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp khác, vì vương miện đó đã nằm trong trái tim của người thân, gia đình, bạn bè và người bệnh.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ngọc Châu đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam với sự đồng thuận tuyệt đối từ giám khảo