Trang Chủ > Sức khỏe > Phòng viêm họng cấp cho trẻ vào mùa hè

Phòng viêm họng cấp cho trẻ vào mùa hè

VnExpress
08/07/2022 09:48:36

Con trai 2,5 tuổi bỗng dưng kén ăn, sốt cao, ho nhiều. Chị Bùi Minh Hòa (quận Phú Nhuận,TP HCM) đưa bé đến khám bệnh tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM để kiểm tra cổ họng xung huyết, đỏ, phù nề. Bé mắc bệnh viêm họng mức độ nặng, sốt cao, co giật phải nhập viện điều trị.

Phòng viêm họng cấp cho trẻ vào mùa hè-1

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa khám cho bệnh nhi tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Tuệ Diễm

Theo ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi - BVĐK Tâm Anh TP HCM, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thường xuyên, trẻ dễ mắc các bệnh do virus, vi khuẩn tấn công. Tại khoa Nhi, một ngày số lượng trẻ đến khám các bệnh lý hô hấp, trong đó có viêm họng cấp tăng khoảng gấp 3 lần. Số trẻ nhập viện tăng gấp 4-5 lần. Con số cho thấy, năm nay số lượng trẻ bị bệnh nặng nhiều hơn so với những năm trước.

Nhiều trường hợp viêm họng cấp nhưng cha mẹ nhầm lẫn với mọc răng vì biểu hiện tương tự nhau như viêm họng, quấy khóc, chán ăn. Đến khi con sốt cao, ho nhiều, bỏ ăn thì bệnh nặng. Bác sĩ Thoa khuyên, phụ huynh có thể chú ý dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng như: đau họng, có thể kèm theo nuốt khó; ho khan hoặc ho có đờm; sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, nhiều bé sốt tới 39-40 độ C.

Thông thường, sau vài ngày nhiễm bệnh, trẻ có thể thở khó nếu kèm theo nghẹt mũi hoặc biến chứng viêm phổi, viêm thanh khí phế quản. Khi vùng họng sưng, bé khó chịu dẫn tới biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ. Một số trẻ kèm dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy.

Viêm họng cấp ở trẻ trong mùa hè có thể phòng tránh nếu ba mẹ chú ý tập cho trẻ thói quen vệ sinh họng, miệng, nhắc nhở trẻ đánh răng đều đặn mỗi ngày, sau khi ăn, trước, sau khi ngủ dậy.

Ngoài ra, trẻ cần loại bỏ những thói quen xấu như cho tay lên miệng hoặc thường xuyên ngoáy mũi. Phụ huynh nên tắm cho con bằng nước ấm, cần lau khô người bé trước khi mặc quần áo. Sau khi trẻ vừa tắm xong không để bé ngồi trước quạt, điều hòa. Viêm họng là bệnh có khả năng lây nhiễm, vì thế không để trẻ tiếp xúc với những trường hợp nhiễm bệnh.

Viêm họng cấp ở trẻ không nguy hiểm, thông thường bệnh nhi sẽ ổn định sau một tuần điều trị. Nếu bé có biểu hiện của viêm họng cấp kéo dài có thể dẫn đến biến chứng như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản, viêm xoang. Ngoài ra, viêm họng cấp do virus có thể bị bội nhiễm vi khuẩn.

Với bệnh viêm họng cấp do vi khuẩn liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A gây ra, nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm khớp cấp, viêm cầu thận hay viêm màng trong tim cấp gây hẹp van tim...

Để chẩn đoán bệnh, trẻ cần thăm khám lâm sàng. Một số trường hợp khám không phân biệt tình trạng viêm họng của trẻ là do virus hay vi khuẩn, xét nghiệm máu sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân, từ đó phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Nếu nghi ngờ viêm họng do liên cầu nhóm A, bác sĩ có thể phết họng của trẻ để làm xét nghiệm tìm vi trùng gây bệnh.

Phòng viêm họng cấp cho trẻ vào mùa hè-2

Trẻ sốt cao, họng sưng được bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Ảnh: Tuệ Diễm

Phụ huynh lưu ý không dùng lại đơn thuốc sử dụng từ lần điều trị trước đó. Dùng thuốc sai cách có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, tác động xấu đến chức năng gan thận của trẻ. Nếu trẻ bị sốt trên 2 ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám.

Bác sĩ Thoa thông tin thêm, viêm họng cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, phổ biến là virus (Rhinovirus, virus cúm hoặc Adenovirus); vi khuẩn ( vi khuẩn phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae nhóm B). Trẻ có thể bị lây nhiễm bệnh viêm họng cấp khi tiếp xúc với với người bị bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, yếu tố về môi trường sống là nguyên nhân gây bệnh như thay đổi thời tiết nóng lạnh đột ngột, ẩm ướt, mưa nhiều, khói xe, khói thuốc lá, khói than, bụi. Bé mới đi nhà trẻ , mẫu giáo; còi xương suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém; ít vệ sinh răng miệng, họng; sử dụng quạt, điều hòa sai cách cũng dễ mắc viêm họng.

Phúc Thịnh

Thực phẩm có lợi cho sức khỏe trẻ

Cách tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ