Theo Telegraph , các nhà nghiên cứu ở Thụy Sỹ cho biết vào ban đêm các tế bào ung thư tách ra từ khối u chính và di chuyển cũng như phát triển rất nhanh sang các bộ phận khác trong cơ thể. Cho đến nay, người ta ít để ý xem ung thư có hoạt động khác nhau tùy vào thời gian ngày hay đêm không, mà chỉ cho rằng các khối u liên tục sinh ra các tế bào ác tính.
Phát hiện nói trên cho thấy các khối u hoạt động theo nhịp sinh học, dưới sự kiểm soát của các hormon tiết ra vào ban đêm, ví dụ như melatonin. Chính những hormon này lại "tiếp tay" cho sự lây lan của các tế bào ung thư.
Bên cạnh đó, các tế bào tách ra từ khối u vào ban đêm lại sinh sôi nhanh hơn và do đó càng có khả năng lây lan nhiều hơn so với ban ngày.
Điều này có thể thay đổi hoàn toàn cách chẩn đoán và điều trị ung thư trong tương lai.
Phó Giáo sư Nicola Aceto, chuyên gia về ung thư học phân tử, Trường Đại học ETH Zurich, Thụy Sỹ, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết khi người bệnh ngủ thì khối u thức, vì thế các nhà chuyên môn nên xem xét việc lấy mẫu sinh thiết vào thời gian nào cho phù hợp.
Các chương trình sàng lọc phát hiện sớm đã giúp cải thiện tỷ lệ biến chuyển tốt ở bệnh nhân ung thư vú, với 85% phụ nữ vẫn còn sống sau 5 năm phát hiện mắc bệnh.
Qua nghiên cứu hoạt động của khối u ở 30 bệnh nhân ung thư vú và kiểm nghiệm lại trên chuột thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy các khối u sản sinh ra nhiều tế bào hơn trong khi bệnh nhân ngủ. Các tế bào này ở chuột cũng sinh sôi nhiều hơn ở người vào ban ngày bởi vì chúng là loài sống chủ yếu vào ban đêm.
Theo nhóm nghiên cứu, các hormon kiểm soát nhịp sinh học ngày - đêm của chúng ta, ví dụ như melatonin, đồng thời cũng kiểm soát sự lây lan của các tế bào ung thư từ khối u đi ra. Tới đây, các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu sâu hơn xem các khối u của các bệnh ung thư khác nhau có hoạt động cùng một cơ chế như vậy hay không. Và liệu có thể cải thiện các liệu pháp hiện nay như thế nào, áp dụng vào thời điểm ngày, đêm ra sao, để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Thu Hương