Bệnh nhân bị chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF). Đây là căn bệnh nguy hiểm khiến khoảng 1/3 người mắc tử vong, theo tờ The Independent (Anh).
Bệnh nhân Tây Ban Nha bị chảy máu từ mắt do bị bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo SHUTTERSTOCK
Người bệnh thường bị lây nhiễm do bị bọ ve mang virus cắn. Ngoài ra, tiếp xúc với mô và máu động vật đã nhiễm bệnh cũng có thể bị lây sốt xuất huyết Crimean-Congo, đặc biệt là khi giết mổ.
Ban đầu, người đàn ông đang điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Leon (Tây Ban Nha). Sau đó, ông được chuyển đến một bệnh viện khác điều trị.
“Ông ấy đã bị ve cắn, dù các triệu chứng lâm sàng là nghiêm trọng nhưng ông vẫn đang trong tình trạng ổn định”, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết trong một tuyên bố.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh khiến các giới chức y tế lo ngại vì tỷ lệ tử vong có thể từ 10 đến 40%. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là mắt đỏ và chảy máu , đỏ mặt và cổ họng, sau đó màu đỏ chuyển sang tím bầm và xuất huyết không kiểm soát. Xuất huyết thường sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư và kéo dài khoảng 2 tuần.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị nôn mửa, sốt cao, đau lưng , đau khớp, đau dạ dày và nhức đầu. May mắn là y khoa hiện đã có một phương pháp điều trị căn bệnh này. Đó là dùng thuốc kháng virus Ribavirin. Thuốc có thể đưa vào cơ thể qua cả đường uống và đường tiêm tĩnh mạch.
Với bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, việc kiểm soát dịch sẽ phức tạp hơn so với điều trị. Nếu điều trị đã có thuốc Ribavirin thì để kiểm soát dịch, các nhà chức trách phải kiểm soát các động vật trung gian lây bệnh. Họ phải tập trung tiêu diệt bọ ve để ngăn những con mang virus lây cho con người.
Các đối tượng dễ bị lây bệnh nhất là những người làm trong lĩnh vực chăn nuôi, công nhân giết mổ và các y bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, theo The Independent.