Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dịch vẫn đang có những diễn biến khó lường, vì vậy việc dự phòng cá nhân và tiêm vắc-xin là rất quan trọng.
Ảnh minh họa
Tại dự thảo mới nhất của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế đề xuất phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 – 2023, trong đó có 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch;
cách ly, theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt...
Ông Phu cho rằng Covid-19 đang rất khó dự báo, nếu dự báo dễ thì không cần đưa ra những kịch bản như vậy.
Thông tin với
Người Đưa Tin
về việc đáp ứng của Việt Nam đối với các biến chủng mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng Bộ Y tế đưa ra hai kịch bản là rất đúng.
“Covid-19 đang rất khó dự báo, nếu dự báo dễ thì không cần đưa ra những kịch bản như vậy. Tuy nhiên, cần phải có giám sát, đánh giá nguy cơ chuẩn, tránh hiện tượng giám sát, đánh giá nguy cơ không đúng, dẫn tới không phòng, chống được dịch. Hoặc đánh giá nguy cơ thái quá dẫn tới các hoạt động bị ngưng trệ, thời gian qua chúng ta đã rút kinh nghiệm”, ông Phu nói.
Theo chuyên gia y tế dự phòng, Nghị quyết 128 của Chính phủ vẫn rất đúng trong chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam, nhưng có điều nới lỏng không buông xuôi.
“Chúng ta nới lỏng đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ, mở cửa hết thì các dịch vụ khác mới phát triển được. Chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Hiện, Covid-19 vẫn không có gì thay đổi về biện pháp phòng bệnh, dự phòng cá nhân và vắc-xin vẫn là vấn đề quan trọng”, ông Phu cho hay.
Ông Phu cũng cho rằng cần phải linh hoạt trong dự phòng cá nhân, như đeo khẩu trang ở môi trường kín, khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh, nhân viên y tế…
Còn trong hoạt động tập thể dục có thể nới lỏng, ngoài ra cần phải có sự chuyển đổi từ đeo khẩu trang y tế sang khẩu trang vải.
Chuyên gia lo ngại hàng ngày có hàng ngàn khẩu trang y tế vứt ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm.
Về vắc-xin, ông Phu khẳng định tiêm vắc-xin vẫn là điều quan trọng, đặc biệt lưu ý tiêm cho đối tượng có nguy cơ, người già, bệnh nền, trẻ em… để giảm khả năng tăng nặng, giảm tử vong và gây quá tải cho hệ thống y tế.
Nới lỏng đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ.
Trong khi đó, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện tỉ lệ tử vong do Covid-19 cũng đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chỉ một vài tuần trước, trên toàn cầu đã có hơn 3 triệu ca F0 mới và hơn 7.000 ca tử vong. Vì vậy WHO khuyến cáo cần thận trọng hơn với dịch Covid-19.
“Chúng ta không thể coi Covid-19 là bệnh nhẹ, vì ngay cả những người khỏe mạnh, những người đã tiêm cũng không đảm bảo là sẽ không mắc Covid-19”, đại diện WHO cho hay.
dịch vẫn chưa kết thúc và tại nhiều quốc gia cũng đã xuất hiện một số biến chủng mới. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cảnh báo các biến chủng mới đang ngày càng gia tăng và có thể nhân rộng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu như BA.4, BA.5, dẫn đến gia tăng tỉ lệ mắc trên toàn cầu. Sự gia tăng của các chủng này cũng sẽ gây hệ lụy về tỉ lệ nhập viện cũng như tỉ lệ bệnh nặng gia tăng nhiều hơn ở một số các quốc gia có sự xâm nhập của biến chủng này.
Biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào nước ta
Trước đó, tại cuộc gặp mặt cung cấp thông tin y tế năm 2022 chiều 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin hệ thống giám sát phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã liên tục phát huy việc giám sát và qua giải trình tự gen cho thấy, hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron vào nước ta. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2).
"Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện nay thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục chủ động giám sát để điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, linh hoạt hiệu quả.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh”, ông Lân nhấn mạnh.
Nguồn Tin: