Trang Chủ > Sức khỏe > PGS.TS. Dương Đại Hà -Vị bác sĩ làm tròn vai 3 trong 1

PGS.TS. Dương Đại Hà -Vị bác sĩ làm tròn vai 3 trong 1

Sức Khỏe và Đời Sống
22/08/2022 08:28:35

Sở dĩ như vậy không phải anh khó tính, làm cao mà phần vì công việc của Trung tâm, của bộ môn luôn bận rộn và quan trọng hơn cả là:"có rất nhiều các anh chị em đồng nghiệp khác xứng đáng hơn tôi".

Tôi gọi anh là bác sĩ 3 trong 1 vì anh vừa là Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật thần kinh vừa là Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Phó chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Hà Nội. Quả thật khi nhìn công việc anh đang làm tôi đã nghĩ không biết anh phân bổ thời gian thế nào mà vẫn 'tròn vai' ở cả 3 lĩnh vực.

Căn phòng tầng 2 nằm gọn trong một góc nhỏ ở BV Việt Đức chính là Bộ môn ngoại, khi tôi đến các bác sĩ nội trú của Bộ môn đang được GS. Francis Bolgert, Bệnh viện Pitie Salpetriere, Đại học Sorbonne Paris cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực y khoa cho các bác sĩ nội trú của bộ môn. PGS. Hà chính là 'ông tơ' kết nối và mời ông đến với Việt Nam. PGS. Hà cho biết, trừ 2 năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. hàng năm chúng tôi đều mời các chuyên gia đầu ngành về bộ môn ngoại thần kinh của các nước có nền y học phát triển như Pháp, Mỹ.. đến Bệnh viện Việt Đức cập nhật kiến thức cho các bác sĩ nội trú. Đến nay 'ông tơ' này đã kết nối hàng trăm buổi cập nhật kiến thức cho bác sĩ nội trú từ các chuyên gia nước ngoài,

Một điều rất trân quý nữa là tấm lòng của các chuyên gia, khi sang Việt Nam giảng dậy, họ đều tự bỏ tiền túi, chúng tôi chỉ tạo không gian và môi trường cho các thầy đến giảng. Nếu có ca phẫu thuật mời thầy cùng vào thị phạm để các bác sĩ trẻ vừa được học hỏi lý thuyết lại vừa trực tiếp được thực hành theo đúng hình thức 'cầm tay chỉ việc'. Các bác sĩ trẻ sẽ được tiếp cận các kỹ thuật hiện đại cũng như phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân của mình từ các chuyên gia nước ngoài.

Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội, ngoài việc kết nối các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, PGS. Hà còn phụ trách chương trình Pháp ngữ của trường và cũng từ đây anh được dịp kết nối và giúp đỡ các bác sĩ, sinh viên của bộ môn được sang Trường đại học Sorbonne – Đại học nổi tiếng và danh giá bậc nhất nước Pháp để sinh viên Việt Nam được sang Pháp thực tập từ 4- 6 tuần với chi phí do phía Pháp tài trợ. Chưa dừng lại ở đó, PGS. Hà cũng là người đưa ra nhiều sáng kiến và kêu gọi tài trợ để có một quỹ hỗ trợ giúp đỡ sinh viên Việt Nam được ra nước ngoài học trong một thời gian nhất định.

Cùng với công việc "tay ngang" đó, công việc thường nhật của một thầy giáo như anh chính là hàng ngày đi buồng giao ban cùng bác sĩ nội trú, kiểm soát chương trình học của bác sĩ và kiểm tra xem mức độ tiếp thu, số lượng kiến thức các bác sĩ nội trú tiếp nhận trong thời gian học nội trú được đến đâu.

PGS. Hà quan niệm không chỉ dậy sinh viên về chuyên môn mà còn phải dậy về phong cách, tác phong đạo đức nghề nghiệp, cách giao tiếp với đồng nghiệp với bệnh nhân với người nhà bệnh nhân.

"Bản thân mình cũng được các thầy, các anh chị khóa trước dạy dỗ, bảo ban và mình không ngừng tự mình tìm hiểu, học hỏi nên khi mình làm thầy mình cũng phải có trách nhiệm truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm đó cho sinh viên. Tôi quan niệm bác sĩ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải thành thạo các kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử chia sẻ với đồng nghiệp và người bệnh, thân nhân người bệnh. Là người thầy phải là người truyền lửa đam mê, tạo động lực để đào tạo ra được một bác sĩ tương đối hoàn chỉnh " PGS. Hà chia sẻ.

PGS.TS. Dương Đại Hà -Vị bác sĩ làm tròn vai 3 trong 1-1

PGS.TS Dương Đại Hà hướng dẫn bác sĩ nội trú đi buồng

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa anh trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, PGS. Hà nói rằng chính cha mình đã là động lực đưa anh đến với chuyên ngành này. Cha của PGS. Dương Đại Hà là Nhà giáo nhân dân, GS Dương Chạm Uyên. là người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ thân kinh. Từ 1985 – 1999 GS. Uyên là : Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội. và Từ 1995 – 1999: Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Hữu nghị Việt Đức Anh Hà đã tiếp bước sự nghiệp vẻ vang và tận tụy của cha mình, làm rạng danh dòng tộc họ Dương với nhiều trí thức có công hiến cho xã hội.

Có lẽ nói đến từ "phẫu thuật thần kinh" những người ngoại đạo như chúng ta cũng cảm thấy e dè, ngại ngần và có chút lo sợ bởi nếu chỉ sai một chút thôi thì từ một người bình thường có thể trở thành người tàn tật suốt đời. Do đó, gánh nặng và áp lực cũng đè lên vai của những bác sĩ ở chuyên ngành này.

BS Hà chia sẻ, anh đã thực hiện không biết bao nhiêu ca phẫu thuật thần kinh sọ não, cột sống có những niềm vui và cả những nỗi buồn, có cả những tiếc nuối. Nhưng một ca bệnh phẫu thuật cho cháu bé có khối u vùng vận động có lẽ anh sẽ chẳng thể quên.

Cách đây 3 năm, năm 2019, một cháu bé 9 tuổi tên là P. V. K quê T.H xinh xắn, đáng yêu bỗng một ngày bố mẹ phát hiện con không đi lại được liền đưa con đi khám bệnh. Gia đình đưa con đi khắp các bệnh viện lớn trong nước, thậm chí sang cả nước ngoài để rồi nhận cái chẩn đoán khiến bố mẹ trẻ như đứt từng khúc ruột vì con bị khối u vùng vận động.

Không biết khối u là ác tính hay lành tính nhưng nếu không phẫu thuật cho con, đương nhiên là bị liệt, còn nếu phẫu thuật nguy cơ thoát liệt vẫn còn cao, tức là chỉ còn rất ít phần chiến thắng.

PGS.TS. Dương Đại Hà -Vị bác sĩ làm tròn vai 3 trong 1-2

PGS.TS Dương Đại Hà thăm khám cho bệnh nhân

Sau khi cân nhắc và tìm hiểu bố mẹ cháu bé đã quyết tâm đặt những tia hy vọng cuối cùng vào tay nghề của các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật thần kinh, BV Hữu Nghị Việt Đức, trong đó bác sĩ Hà là phẫu thuật viên chính.

BS Hà cho hay, khi nhận ca bệnh anh chị em trong trung tâm cũng lo lắng băn khoăn và phải nói thẳng là tỉ lệ thành công rất ít. Thế nhưng đứng trước sự tin tưởng cũng như sự kiên định, lòng quyết tâm của bố mẹ cháu các bác sĩ không có lý do để từ chối và quyết tâm phẫu thuật cho cháu.

" Lúc đó, tôi đã nói với bố mẹ cháu bé, tôi không dám chắc 100% là chúng tôi và cháu sẽ chiến thắng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức của mình".PGS Hà kể.

Ca mổ kéo dài 5 tiếng so với các ca mổ khác thì thời gian như vậy cũng không phải là dài nhưng thực sự với ca bệnh này các bác sĩ luôn phải cân não. Bởi nếu chỉ cần sai một thao tác làm đứt hoặc cắt vào một dây thần kinh thì bệnh nhân chắc chắn sẽ liệt và không có cơ hội hồi phục. Vì thế bác sĩ phải tỉ mỉ, nhẫn nại, kiên trì từng chút, từng chút bóc tách khối u…

Thật may mắn ca mổ thành công và khi sinh thiết khối u là u lành tính. Cháu bé sau mổ có liệt nhưng đó chỉ là liệt tạm thời và điều này cũng nằm trong dự đoán.

Sau ca mổ ấy thì một năm sau cháu bé đã đi lại vận động như bình thường, nhưng cũng một năm ấy bác sĩ Hà cũng ekip và các đồng nghiệp của anh ở Trung tâm luôn dõi theo, luôn đồng hành và chia sẻ. Họ vui cùng niềm vui của người bệnh và lo cùng nỗi lo của người bệnh.

Có như thế mới thấy phía sau những sự sống được hồi sinh, phía sau những nụ cười hạnh phúc của người bệnh, phía sau những lá thư cảm ơn mà Trung tâm nhận hàng ngày là những hi sinh thầm lặng của người thầy thuốc. Những hy sinh ấy không thể nói lên lời, không thể cân, đong, đo, đếm.

Và đương nhiên để có những niềm vui, nụ cười hạnh phúc ấy của người bệnh thì người thầy thuốc không chỉ học vài năm ra trường đi làm và kiến thức tự 'chui' vào đầu mà họ phải học, phải khổ luyện, phải cập nhật kiến thức như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Và cũng chính vì thế mà tôi đã giải đáp được băn khoăn của mình điều gì khiến các bác sĩ nói chung và PGS.TS Dương Đại Hà nói riêng luôn bận rộn nhưng vẫn làm tròn vai của mình dù ở cương vị nào - một thầy giáo, một thầy thuốc hay một người làm nghiên cứu khoa học.