Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đột quỵ tại Việt Nam, Indonesia, Philippines, Australia và Anh. Các chuyên gia đã chia sẻ và thảo luận cách xây dựng, tối ưu hóa hệ thống điều trị đột quỵ; phát triển hiệu quả mạng lưới đột quỵ và tư vấn điều trị đột quỵ từ xa; đồng thời nhấn mạnh vai trò của điều dưỡng và tầm quan trọng của chăm sóc sau đột quỵ.
Hội thảo đào tạo về điều trị đột quỵ do Angles phối hợp tổ chức tại TP HCM, được phát trực tiếp đến các nhóm bác sĩ ở ASEAN, Hàn Quốc và Australia.
Hiện nay, đột quỵ vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo nhiều thống kê, trung bình cứ ba phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Riêng ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca mới và 11.000 tử vong do đột quỵ.
Hỗ trợ điều trị đột quỵ từ xa
Tại Hội thảo, bác sĩ David Hargroves (ở Bệnh viện East Kent Hospital University, Anh) chia sẻ: Một yếu tố quan trọng là làm sao giúp bệnh nhân đột quỵ được tiếp cận điều trị sớm nhất dù họ đang ở rất xa trung tâm điều trị đột quỵ. Vì vậy, giải pháp là tư vấn và hỗ trợ điều trị đột quỵ từ xa. Trong những trường hợp này, nhân viên cấp cứu ngoại viện sẽ sử dụng các ứng dụng gọi điện thoại video, kết hợp với ứng dụng AI để đánh giá và phân loại bệnh nhân và hướng dẫn cấp cứu. Nhờ đó, bệnh nhân được chuyển đến đúng trung tâm có khả năng cấp cứu đột quỵ.
Giáo sư Kenneth Butcher chia sẻ về vai trò của dịch vụ tư vấn và hỗ trợ điều trị đột quỵ từ xa.
Theo Giáo sư Kenneth Butcher, Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Lâm sàng của Prince of Wales Clinical School - Đại học New South Wales, Australia, dịch vụ hỗ trợ điều trị đột quỵ từ xa sẽ là mô hình hữu ích cho những nơi xa trung tâm đột quỵ và hoạt động với chi phí thấp. Bác sĩ và điều dưỡng chuyên điều trị đột quỵ là những người trực tổng đài để cung cấp hướng dẫn xử trí kịp thời đến người nhà bệnh nhân.
Mở rộng mạng lưới điều trị
Trao đổi với phóng viên VnExpress , Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết: Việt Nam cũng đang mở rộng mạng lưới các trung tâm điều trị đột quỵ để bệnh nhân được tiếp nhận dễ dàng và nhanh chóng. Theo bác sĩ Thắng, trong năm 2006, cả nước chỉ có duy nhất một trung tâm đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Đến năm 2017, số lượng tăng lên 20-30 trung tâm. Hiện nay Hội đột quỵ Việt Nam đã ghi nhận có 110 trung tâm có khả năng cấp cứu đột quỵ với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng được thường xuyên tập huấn, cập nhật chuyên môn và qui trình điều trị.
"Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế nên Hội Đột quỵ Việt Nam và TP HCM không thể phát triển nhanh được. Đó là lí do tại sao, Việt Nam hợp tác với Angels – chương trình giúp cải thiện chất lượng điều trị đột quỵ cho các trung tâm trên thế giới cũng như tại Việt Nam", bác sĩ Thắng cho biết.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thắng: Hiện nay, số lượng bệnh nhân đột quỵ được điều trị bằng kỹ thuật cao, như điều trị tiêu huyết khối bằng rtPA đường tĩnh mạch và lấy huyết khối cơ học, tăng đáng kể. Trong giai đoạn 2007-2010, ghi nhận trên cả nước chỉ khoảng 100-200 bệnh nhân được điều trị cấp bằng các phương pháp này. Hiện nay số lượng bệnh nhân được điều trị đã tăng lên gần 10.000 người.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng (thứ hai từ trái qua) cùng các chuyên gia trao đổi về các tiến bộ trong điều trị đột quỵ tại hội thảo.
"Điều này chứng tỏ rằng đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nỗ lực rất nhiều trong việc làm sao để nhiều bệnh nhân đột quỵ có cơ hội được tiếp cận điều trị tốt nhất. Bởi vì chúng ta biết rằng, với đột quỵ, bệnh nhân không chỉ lo sợ tử vong mà còn lo sợ tàn phế. Có 70% bệnh nhân đột quỵ đều gần như không thể quay trở lại công việc bình thường trước đây. Vì vậy việc bệnh nhân được tiếp cận phương pháp điều trị tốt nhất sẽ giúp cải thiện và tăng cơ hội quay lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Thắng nhận định.
Bên cạnh đó, từ năm 2019, một số Trung tâm điều trị đột quỵ như ở Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ... và gần đây có thêm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) RAPID. Phần mềm này giúp chẩn đoán những vùng nhu mô não nằm trong nguy cơ nhồi máu. Theo bác sĩ Thắng, so với nhiều nước trên thế giới, không phải trung tâm nào cũng trang bị được phần mềm chần đoán này.
Vai trò của điều dưỡng
Điều dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình giúp bệnh nhân đột quỵ nhanh chóng phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường. Điều dưỡng hỗ trợ bác sĩ trong chăm sóc người bệnh trong suốt quá trình điều trị để ngăn chặn, phòng ngừa biến chứng; lên kế hoạch cho người bệnh ra viện an toàn và phòng ngừa các biến chứng đột quỵ thứ cấp về thần kinh, rối loạn nuốt, tiêu hóa, tiết niệu... Điều dưỡng cũng nhận biết sớm về dấu hiệu biến chứng xảy ra, báo bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Mai Chi
(Ảnh:
Huy Hoàng
)
Hội thảo Đa ngành trong điều trị đột quỵ tầm khu vực được tổ chức tại TP HCM và phát trực tiếp đến các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cấp cứu ngoại viện tham gia điều trị đột quỵ ở ASEAN, Hàn Quốc và Australia. Hội thảo tập trung chia sẻ và thảo luận cách xây dựng và tối ưu hóa hệ thống điều trị đột quỵ; phát triển hiệu quả mạng lưới đột quỵ và tư vấn điều trị đột quỵ từ xa; nhấn mạnh vai trò của điều dưỡng và tầm quan trọng của chăm sóc sau đột quỵ.