Trang Chủ > Sức khỏe > Nhóm trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 mắc hội chứng MIS-C thấp hơn 15 lần

Nhóm trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 mắc hội chứng MIS-C thấp hơn 15 lần

Pháp luật và Xã hội
30/06/2022 12:58:37
Nhóm trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 mắc hội chứng MIS-C thấp hơn 15 lần-1

Bệnh nhi bị hội chứng MIS-C được điều trị tại BV Nhi Trung ương (ảnh BVCC)

Đây là kết quả nghiên cứu của Đan Mạch được Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ ghi nhận. Theo đó, nghiên cứu thực hiện với gần 600 nghìn trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin phòng Covid-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vắc-xin, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vắc-xin Covid-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm Covid-19 lên tới trên 90%.

Như vậy, nếu ước tính ở TP Hồ Chí Minh có 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu tất cả được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì số mắc Covid-19 bị MIS-C chỉ là 1 đến 2 trường hợp so với con số là 40 trường hợp nếu tất cả số trẻ này không được tiêm vắc-xin.

Tại Việt Nam, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng hậu quả của Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em.

Số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho thấy: số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc Covid-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…

Đã có hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C được ghi nhận tại Việt Nam với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.

Theo PGS-TS. Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương, hội chứng hậu Covid-19 là một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới.

Hậu Covid-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da... trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh. Theo thông báo trong tháng 6/2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu Covid-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu Covid-19.

Tại BV Nhi Trung ương, thời gian qua những cháu bé có mẹ F0 hoặc trẻ mắc bệnh nặng có bệnh nền tỉ lệ hậu Covid tăng lên, đặc biệt nhóm bệnh nhân viêm đa hệ thống (MIS-C). Từ tháng 1 đến tháng 5 BV khám cho 9.870 bệnh nhân Covid-19, điều trị nội trú 1.028 bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức Covid, bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tháng 4/2022 BV thành lập phòng khám hậu Covid-19, với tổng số điều trị là 756 lượt bệnh nhân. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân rất thấp với 0,029 (30 bệnh nhân tử vong), chủ yếu trên nền em bé mắc bệnh ung thư, suy gan cấp, viêm não... có bệnh nền sẵn, mắc Covid-19 nên tử vong; xác định 283 bệnh nhân mắc MIS-C.

So với đợt dịch tại TP Hồ Chí Minh, nhóm bệnh nhi chính từ 5-12 tuổi nhiễm ở thời điểm này chưa có vắc-xin tiêm cho nhóm em bé này. Sau khi nhiễm tỉ lệ trẻ cần điều trị hồi sức là 62,3% (như thở ô xy, chưa nói thở máy). Tuổi trung bình là 7 tuổi, 100% bệnh nhân sốt cao, có ban ngoài da; 50% hạ huyết áp.

Về Hội chứng MIS-C, chỉ tính riêng tại BV Nhi đồng 1-TP Hồ Chí Minh trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó số chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%.

WHO khuyến cáo, khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19 và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới: Người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể. Trong tuần từ 23-29/5, so với tuần trước đó: tổng số ca mắc mới tại khu vực Châu Mỹ tăng 9%, khu vực Trung Đông tăng 1%; tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực Châu Phi tăng 15%, khu vực Châu Mỹ tăng 13%. Những con số này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được chú trọng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.

Vì vậy, công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tiêm vắc-xin Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh.

Đồng thời, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tại các địa phương, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vắc-xin là Moderna và Pfizer. Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi.

Tính đến ngày 23/6/2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn.

Phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày.

Bé trai 7 tuổi rối loạn đông máu, suy tim do hậu Covid-19

Tiêm vắc-xin vẫn là khuyến cáo hàng đầu để ngăn ngừa trẻ nhập viện do Covid-19

Vắc-xin giúp giảm hội chứng hậu Covid-19

Hậu Covid-19 vẫn hiện hữu, được biết đến với nhiều dấu hiệu

T.An