Nhiều F0 nhập viện vì...bệnh nền
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, số liệu cập nhật đến ngày 19/7, Hà Nội có 83 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 73 trường hợp ở mức độ trung bình. Trong số này, có 8 bệnh nhân phải can thiệp thở oxy.
Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, số lượng F0 nặng vẫn đang ở mức tương đối cao, đặc biệt có cả các bệnh nhân nguy kịch, phải thở máy.
Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, hiện tại Khoa đang điều trị cho 22 bệnh nhân Covid-19. Trung bình mỗi ngày có 5 - 6 F0 nặng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực.
Đây đều là các trường hợp có tình trạng nặng và nguy kịch. Trong số này có 6 bệnh nhân phải can thiệp thở máy xâm nhập.
"Hầu hết các bệnh nhân đều là người cao tuổi, người có bệnh nền. Có một trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi có bệnh nền HIV/AIDS", BS Phúc cho hay.
Đáng chú ý theo chuyên gia này, các bệnh nhân được chuyển lên Khoa đa số đều có bệnh nền diễn biến nặng, trong khi các triệu chứng của Covid-19 tương đối nhẹ.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian gần đây ghi nhận số lượng bệnh nhân Covid-19 đến thăm khám tăng cao. Có nhiều trường hợp tái nhiễm lần 2, lần 3. Với những trường hợp có tình trạng nặng (tầng 2, tầng 3) sẽ được chỉ định nhập viện. Hiện Bệnh viện đang điều trị cho 15 bệnh nhân Covid-19 trung bình đến nặng.
Tiêm nhắc lại vaccine để tăng cường lá chắn trước Covid-19
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người đã từng mắc Covid-19 có thể tái nhiễm, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Người bệnh tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại.
Cụ thể, sau khi tiêm phòng hoặc mắc Covid-19, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể, nhưng do lượng kháng thể này sẽ giảm dần sau các mốc thời gian một tháng, 2 tháng, 3 tháng và đặc biệt sẽ giảm mạnh sau 3 tháng và xuống thấp sau 6 tháng.
TS Socorro Escalante, Quyền trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định: "Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5".
Nghiên cứu thực hiện tại Israel với trên 182.122 đối tượng là người trên 60 tuổi cho thấy hiệu quả vượt trội của mũi nhắc lại lần 2 so với mũi nhắc lại lần một: hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 tăng 45%, hiệu quả chống lại mắc Covid-19 có triệu chứng tăng 55%, hiệu quả chống lại mắc Covid-19 ở mức độ nặng tăng 68%, hiệu quả giảm nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 tăng 74%.
Chính vì thế vaccine sẽ tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng trong việc phòng mắc và giảm nguy cơ tử vong đối với Covid-19.
Hiện nay Bộ Y tế ưu tiên tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho 3 nhóm đối tượng chính, gồm: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch vừa và nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm trong lĩnh vực giao thông vận tải, cung cấp dịch vụ thiết yếu, làm tại cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị), công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Mọi người dân đủ điều kiện tiêm chủng mũi nhắc lại lần 2 đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội đều có thể đến Trạm Y tế xã, phường nơi mình sinh sống để được hướng dẫn đăng ký tiêm mũi nhắc lại lần 2.