Những đối tượng mắc sốt xuất huyết (SXH) dễ diễn tiến nặng là thai phụ và trẻ béo phì. Theo báo cáo của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, gần đây BV tiếp nhận nhiều ca bệnh SXH nguy kịch và tử vong, trong đó có hai thai phụ đã tử vong.
TS-BS Nguyễn Thị Cẩm Hường, Phó Trưởng Khoa nhiễm C BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đang thăm khám cho một thai phụ. Ảnh: HOÀNG LAN
Đã có thai phụ tử vong
Hai thai phụ mang thai tuần thứ 10 và tuần thứ 38 đều sống tại TP.HCM, nhập viện muộn và rơi vào sốc, tổn thương đa cơ quan, xuất huyết nặng. Các bác sĩ (BS) đã hội chẩn với BV Từ Dũ cố gắng giữ tính mạng cho mẹ và thai nhi nhưng dù được hồi sức tích cực, thở máy, chống sốc, lọc máu... họ vẫn không qua khỏi.
Ngoài ra, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều thai phụ đến thăm khám hoặc do BV sản trong TP chuyển đến theo dõi. Khoa nhiễm C của BV đang điều trị cho hơn 10 sản phụ có dấu hiệu SXH cảnh báo, tỉ lệ khoảng 20% bệnh nhân SXH của khoa. TS-BS Nguyễn Thị Cẩm Hường, Phó Trưởng Khoa nhiễm C BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết thai phụ mắc SXH ngoài được theo dõi như bệnh nhân thường còn theo dõi thêm tình trạng tim thai, cử động thai, các dấu hiệu chuyển dạ, dọa sẩy thai, sinh non...
Theo BS Hường, do số bệnh nhân SXH đông nên nhân lực của BV cũng khá hạn chế. Nếu thai phụ có vấn đề, khoa sẽ mời chuyên khoa sản đến hội chẩn hoặc cử điều dưỡng đưa đi khám thai. Đặc biệt, khi sản phụ chuyển dạ sẽ được chuyển sang các BV sản mà bệnh nhân đang khám thai định kỳ để được tiếp tục chăm sóc thai sản. Khi tình trạng ổn định, khoa sẽ nhận bệnh về chăm sóc cho đến giai đoạn SXH hồi phục.
Theo các BS, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế đều chưa có hướng dẫn điều trị SXH trên thai phụ. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu BV Bệnh nhiệt đới xây dựng phác đồ điều trị cho nhóm thai phụ. Hiện BV Bệnh nhiệt đới đã hoàn thành phác đồ, chờ Bộ Y tế thông qua, bổ sung vào hướng dẫn chính thức điều trị SXH.
Những đối tượng mắc SXH dễ diễn tiến nặng là thai phụ và trẻ béo phì.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo BS CKII Bùi Văn Hoàng, BV Từ Dũ, chỉ trong ba tháng qua, nhiều thai phụ mắc SXH đến khám và theo dõi điều trị tại BV, trong đó gần 20 trường hợp nằm viện điều trị tại BV Từ Dũ để theo dõi thai kỳ do các tình trạng sản khoa khác nhau, trong đó có cả những trường hợp mắc SXH và có các dấu hiệu chuyển dạ sinh hoặc cần mổ lấy thai vì chỉ định sản khoa.
Theo BS Hoàng, biểu hiện bệnh SXH ở thai phụ tương tự người bình thường. Khi SXH diễn tiến nặng, thai phụ sẽ bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã. Những trường hợp nặng có thể bị choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các dấu hiệu cảnh báo SXH nặng thường bắt đầu xuất hiện 3-7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
“SXH khi mang thai là tình trạng nguy hiểm cần được theo dõi và xử lý kịp thời đúng cách do có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. SXH khi mang thai làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu ở những tháng đầu thai kỳ, tăng nguy cơ sinh non ở giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu vào thời điểm cuối thai kỳ và trong khi chuyển dạ có thể gây xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh, nguy cơ tử vong cả mẹ và con” - BS Hoàng cảnh báo. •
Dấu hiệu thai phụ cần đến bệnh viện
Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ, nôn ói liên tục (ít nhất ba lần/giờ), chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng, nôn ra máu hoặc có máu trong phân, thở nhanh, khó thở, mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ…
Cách phòng tránh SXH tốt nhất là diệt nguồn lây qua muỗi vằn: Đậy kín các đồ dùng chứa nước, thả cá diệt bọ gậy, vệ sinh đồ đạc thường xuyên, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường sống... để ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi.
BS CKII BÙI VĂN HOÀNG, BV Từ Dũ