ThS.BS Nguyễn Thành Trung (khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, ung thư có thể do điều kiện môi trường và sinh lý gây ra. Nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng có khả năng gây ung thư ở người. Theo ước tính, thế giới có khoảng 1,2 triệu trường hợp mắc bệnh ác tính do nhiễm trùng mỗi năm, thường gặp ở các nước đang phát triển.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, một số ký sinh trùng chẳng hạn như Schistosoma haematobium (sán máng) và Opisthorchis viverrini (sán lá gan) có liên quan chặt chẽ với ung thư bàng quang và ung thư đường mật.
Nhiễm sán lá gan gây ung thư đường mật
Sán lá gan thường gặp ở các nước Đông Á, Đông Nam Á và hiếm gặp ở các khu vực khác trên thế giới. Ấu trùng sán lá gan trong tá tràng và hỗng tràng di chuyển qua ống vater (nhú tá lớn) trong ống mật. Chúng sẽ ký sinh, phát triển thành sán trưởng thành tại đây và có thể sống đến 30 năm.
Bác sĩ Trung cho biết, sán lá gan gây viêm các tế bào tại đường mật, phóng ra các gốc oxy phản ứng và các gốc nitơ hoạt tính. Chúng có khả năng gây hại cho ADN, protein và màng tế bào, làm thay đổi hoạt động của enzym và biểu hiện gene, có thể gây ung thư.
Theo bác sĩ Trung, người bệnh có thể nhiễm ký sinh trùng do ăn thực phẩm sống như cá sống, ngâm chua, nấu chưa chín, rau sống, uống nước chưa đun sôi... Những người bị nhiễm sán lá gan mạn tính thường không có triệu chứng cụ thể, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một số người có thể bị đau ở sườn phải (thường gặp ở phụ nữ), tiêu chảy, chán ăn, khó tiêu...
"Nhiễm sán lá gan có thể gây to gan, viêm gan, áp xe gan... nhưng biến chứng nghiêm trọng nhất là tăng khả năng ung thư đường mật. O.viverrini là một chất gây ung thư do sán lá gan tiết ra", bác sĩ Trung nói.
Thói quen ăn thực phẩm sống có thể gây nhiễm giun sán. Ảnh: Shutterstock
Nhiễm sán máng gây ung thư bàng quang
Theo Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu ung thư (IARC), những người nhiễm sán máng có nguy cơ ung thư bàng quang cao gấp 5 lần nhóm không bị nhiễm. Có 5 loài sán máng lây nhiễm sang người nhưng phổ biến là S. haematobiumand và S. mansoni.
Cơ chế gây ung thư bàng quang của sán máng là quá trình xơ hóa do trứng sán có thể tạo ra sự tăng sinh, tăng sản. Đây là những thay đổi tiền ung thư có thể giải quyết được. Nhiễm trùng và tăng đào thải Nitrosamine từ tiền chất của sán máng trong nước tiểu cũng là chất gây ung thư bàng quang. Ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện cho các chất gây ung thư biểu mô tế bào bàng quang phát triển.
Hình 3D sán máng. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Trung chia sẻ thêm, ấu trùng sán máng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da khi bơi hoặc lội trong nước bẩn. Khi vào cơ thể, chúng di chuyển theo đường máu đến gan để phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng vào máu. Nhiễm sán máng hầu như không bộc lộ triệu chứng rõ ràng, nếu có thường là phát ban, ngứa sẩn da tại chỗ ấu trùng xâm nhập; sốt cấp tính sau khi sán đẻ trứng 2-4 tuần, ho, buồn nôn, đau bụng, đau cơ, nổi mày đay. Tình trạng mạn tính có thể gây viêm loét niêm mạc ruột, chảy máu, tiêu chảy, xơ hóa khu trú, lỗ rò, lách to, loét thành bàng quang... dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ung thư biểu mô tế bào bàng quang là biến chứng nghiêm trọng nhất do loài sán này gây ra.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có nhiều hệ thống sông, ngòi nên các loài cá, ốc, cua phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài ký sinh trùng như sán lá gan và sán máng tồn tại.
Theo bác sĩ Trung, tránh nhiễm ký sinh trùng là cách chủ động để phòng ngừa bệnh ung thư. Mọi người nên ăn chín, uống sôi; tránh dùng nước hoặc tắm gội ở những vùng bị ô nhiễm; không thải phân trực tiếp ra môi trường, tránh dùng nước thải sinh hoạt để tưới rau. Lưu ý tẩy giun, sán định kỳ (mỗi 6 tháng một lần); rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thăm khám sức khỏe định kỳ. Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và phòng ngừa các bệnh nhiễm ký sinh trùng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư.
Nguyên Phương