Chia sẻ trong chương trình Vui khoẻ đẹp mỗi ngày, Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Chuyên khoa Da liễu - Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, đã giúp khán giả bổ sung kiến thức về nhiễm khuẩn da và mô mềm, biết thêm những lưu ý cần thiết khi da bị tổn thương.
Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Chuyên khoa Da liễu - Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM.
Theo BS Võ Thị Bạch Sương, làn da là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và những tác động của môi trường, hoặc các vết thương do tai nạn, vết cắn do côn trùng,...sẽ tạo cơ hội thuận lợi để những căn bệnh nhiễm khuẩn trên da và mô mềm xuất hiện. Từ đó làn da sẽ có biểu hiện đau rát, sưng, đôi khi kèm theo tụ mủ, không chỉ gây đau nhức, khó chịu, mất thẩm mỹ mà có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
BS Võ Thị Bạch Sương cho biết: “Nhiễm khuẩn da, mô mềm là tình trạng viêm cấp tính do vi khuẩn gây hại tấn công vào da và mô mềm dưới da. Những vi khuẩn gây hại đó có thể là vi khuẩn thường trú luôn luôn hiện diện trên da. Hoặc vi khuẩn tạm trú không thường xuyên xuất hiện, và vi khuẩn cơ hội vốn là vi khuẩn lành tính nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây hại cho da”. Bác sĩ nói thêm, tỉ lệ nhập viện điều trị trong số những trường hợp nhiễm khuẩn da và mô mềm nặng khoảng 25-30%”.
Theo chuyên gia, vi khuẩn có thể xâm nhập gây nhiễm khuẩn cho da và mô mềm bằng con đường tấn công trực tiếp qua vết rách, đường cắt mổ, trầy xước da, nặng mụn. Hoặc vi khuẩn có thể tấn công gián tiếp từ bên trong như sưng, đau, đặc biệt khi sức đề kháng suy giảm. Theo phân loại, nhiễm khuẩn da và mô mềm có 2 loại: Nhiễm khuẩn tại nang lông và nhiễm khuẩn ngoài nang lông.
Một số loại nhiễm trùng da thường gặp như: Chốc da, viêm nang lông, mụn nhọt, viêm quầng, viêm tuyến mồ hôi mưng mủ, hội chứng 4s,... Với các triệu chứng nhận biết là sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ (đặc biệt đỏ và đau là yếu tố chính của nhiễm khuẩn da).
BS Võ Thị Bạch Sương cho hay: “Nhiễm khuẩn da và mô mềm không nên để tự hết mà phải điều trị sớm. Vì để lâu có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn như Nhiễm khuẩn huyết (có thể gây tử vong), nhiễm độc, viêm mô tế bào”.
Theo BS Bạch Sương, “tụ cầu trùng vàng” là vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn da và mô mềm thường gặp nhất ở trẻ em, người lớn khu vực châu Á. Vì vậy, BS Bạch Sương khuyến cáo, không nên tự ý đắp các loại lá thuốc vì có thể khi vệ sinh lá không sạch sẽ hoặc dị ứng có thể làm nặng hơn nhiễm khuẩn.
“Nhiễm khuẩn da và mô mềm thể nhẹ có thể đến nhà thuốc mua thuốc bôi có kháng sinh để điều trị. Có thể sử dụng thuốc có kháng sinh hiệu quả như axit fusidic, bacitracin bôi lên vùng da bệnh 2-3 lần/ngày và sử dụng từ 7-10 ngày. Trường hợp bệnh không thuyên giảm và có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, nổi hạch,...thì nên đến ngay chuyên khoa da liễu để được tư vấn”, BA Bạch Sương tư vấn.