Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh với các nhà chức trách từ 27 quốc gia thành viên rằng "không còn thời gian để mất", trong bối cảnh BA.5 Omicron đang làm số ca "dựng đứng", đòi hỏi bảo vệ khẩn cấp các đối tượng nguy cơ.
Theo Medical Xpress, EU đưa ra lời khuyến cáo hôm 11/7 rằng việc tiêm liều vắc-xin tăng cường thứ 2 (mũi 4) nhanh chóng cho những người trong độ tuổi từ 60-79 và các đối tượng dễ bị tổn thương khác là rất quan trọng.
"Với số ca bệnh và số ca nhập viện tăng trở lại dù chúng ta bước vào mùa hè, tôi kêu gọi mọi người nên tiêm chủng và tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Không còn thời gian để mất", Ủy viên Châu Âu về Y tế và an toàn hực phẩm Stella Kyriakides khẳng định trong một tuyên bố.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin tại Lisbon - Bồ Đào Nha. Ảnh: AP
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) và Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) cho biết thuốc tăng cường thứ hai có thể được tiêm ít nhất 4 tháng sau lần tăng cường đầu tiên.
Vào tháng 4, EU từng khuyến cáo tiêm cho người trên 80 tuổi nhưng làn sóng mới đã khiến họ phải mở rộng đối tượng. Giám đốc ECDC Andrea Ammon nói rằng làn sóng này đang được thúc đẩy bởi đột biến BA.5 Omicron có khả năng lây truyền cao và tình hình hiện tại chỉ là khởi đầu cho một làn sóng lớn sẽ sớm lan rộng khắp EU.
Các cơ quan này cho biết hiện tại không có bằng chứng rõ ràng nào ủng hộ việc tiêm liều nhắc lại thứ hai cho những người dưới 60 tuổi, những người không có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn.
Theo nhiều nghiên cứu và dữ liệu từ các cơ quan y tế khắp thế giới, BA.5 Omicron không có dấu hiệu gia tăng độc lực so với các dòng trước, do đó bệnh thường nhẹ ở nhóm người trẻ đã được tiêm chủng 2-3 mũi.
Tuy nhiên với những người có nguy cơ diễn tiến nặng cao như nhóm trên 60 tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, BA.5 cũng như các dòng phụ Omicron trước đó vẫn có thể gây bệnh nặng và tử vong, dù là xác suất thấp hơn các chủng trước. Nhiều nghiên cứu cho thấy mũi 4 làm giảm nhập viện đáng kể ở các đối tượng nguy cơ.