Trang Chủ > Sức khỏe > Nhân viên văn phòng cấp cứu vì mọc nhọt

Nhân viên văn phòng cấp cứu vì mọc nhọt

Zingnews
28/07/2022 08:40:56

N.H.T. (nhân viên văn phòng, 30 tuổi, TP.HCM) cho biết lúc đầu vùng mông trái của chị xuất hiện vài nốt mẩn đỏ, ngứa và đau. Chị càng gãi càng ngứa, dẫn đến trầy xước da, đau rát rồi viêm tấy và mọc nhọt. Dù uống thuốc, tình trạng này vẫn không thuyên giảm, nên chị vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM.

Nhọt sưng với đường kính 1,5 cm

Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ CKI Trương Trọng Tuấn cho biết người bệnh đau đớn khi ngồi, khối nhọt sưng lên với đường kính khoảng 1,5 cm, vùng da xung quanh tấy đỏ, chạm vào thấy nóng, cảm giác có mủ bên trong.

Bác sĩ Tuấn nhận định có thể do người bệnh gãi làm trầy xước da, vi khuẩn từ móng tay hoặc liên cầu, tụ cầu trên da xâm nhập và gây mủ. Biểu hiện đau có thể do áp lực của khối áp xe tăng cao. Nếu người bệnh để lâu hơn, tình trạng nhiễm trùng lan rộng có thể xuất hiện sốt, mệt mỏi.

Nhân viên văn phòng cấp cứu vì mọc nhọt-1

Nhọt ở mông thường gặp ở nhân viên văn phòng. Ảnh: Trang Tiên.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng xử lý rạch ổ áp xe, lấy hết mủ, rửa sạch, sau đó dùng povidine sát trùng, băng lại vết thương, đồng thời kê đơn thuốc kháng sinh và hẹn người bệnh tái khám sau 5 ngày.

Đến ngày tái khám, sức khỏe chị T. đã cải thiện, mủ bên trong đã gom lại và còn rất ít. Bác sĩ chỉ định siêu âm khối nhọt để chắc chắn không có tình trạng nhiễm khuẩn bên trong. Kết quả siêu âm ghi nhận vết thương đang tiến triển tốt. Người bệnh được chỉ định uống thêm 5 ngày kháng sinh để sạch mủ hoàn toàn.

Trước đó, vào trung tuần tháng 6, khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM cũng tiếp nhận nam nhân viên văn phòng bị khối áp xe ở mông, đường kính lớn gấp 3 lần so với nhọt của chị T. Khối áp xe này ăn sâu vào gần cơ mông, tạo thành một lỗ khoét sâu. Do nhọt tiến triển nặng nên người bệnh được xử lý tại phòng mổ để can thiệp những biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh được rạch khối áp xe lấy hết mủ, dẫn lưu mủ, điều trị kháng sinh qua đường truyền tĩnh mạch khoảng 14 ngày để vùng da áp xe thu nhỏ, gom dần lại.

Sau đó, người bệnh được chiếu đèn lên mô hạt để kích thích tăng sinh tế bào da, mô, thịt, thúc đẩy vết thương mau lành. Sau khoảng 1 tháng điều trị, vết thương liền da nhưng để lại sẹo hằn.

Thủ phạm từ móng tay

Bác sĩ Tuấn cho biết nhiều người nghĩ mụn nhọt là một nhưng đây là hai vấn đề sức khỏe khác biệt. Nhọt là tình trạng cấp tính có thể gây nhiễm trùng máu nếu không thể xử lý kịp thời. Nhọt biểu hiện bằng những khối viêm cấp tính, khối màu trắng ở giữa, gọi là mủ.

Biểu hiện sớm và đặc trưng nhất của nhọt là tình trạng ngứa và xuất hiện những nốt mẩn đỏ nhỏ. Thời gian cục nhọt hình thành từ một vết xước nhỏ chỉ diễn ra trong khoảng 3-4 ngày. Nếu chủ quan không điều trị, tình trạng nhiễm trùng dễ diễn tiến nặng, tạo thành ổ áp xe lớn. Sau khi điều trị khỏi, khu vực nhọt có thể để lại sẹo. Tùy mức độ tổn thương và lan rộng của mủ mà vết sẹo có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Nhọt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, người lớn tuổi, người có cơ địa nhạy cảm và bệnh nhân đái tháo đường. Nhọt xuất hiện nhiều bộ phận khác trên cơ thể như tay, chân, ngực, bụng… nhưng nhiều nhất là ở mông.

Người làm việc văn phòng dễ nổi nhọt ở mông do thói quen mặc quần bó sát, ngồi nhiều nên bị hăm, ngứa. Tuy nhiên, người bệnh chủ quan cho rằng nốt mẩn đỏ ngoài da thông thường, cứ ngứa là gãi. Hành động này vô tình gây trầy xước do móng tay “mở đường” cho vi khuẩn tụ cầu trên da xâm nhập tạo thành nhọt.

Theo bác sĩ Trương Trọng Tuấn , mỗi người cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton thoáng mát, không ngồi một chỗ quá lâu để tránh sinh nhọt. Đặc biệt, người làm việc văn phòng không ngồi vắt chân sang một bên để tránh vùng da tiếp xúc với ghế ngồi bí bách nhiều hơn, gây ngứa ngáy khó chịu và sinh nhọt.

Chế độ dinh dưỡng nên ưu tiên rau xanh, trái cây giàu vitamin C... giảm bớt nhóm thực phẩm nhiều cay nóng, dầu mỡ… tạo nhiệt cho cơ thể. Người bệnh không nên để mủ tự hết, bởi điều này dễ dẫn đến vỡ ổ áp xe, mủ lan ra vùng da xung quanh gây nhiễm trùng. Tình trạng nặng hơn là áp xe sâu trong cơ hoặc nghiêm trọng hơn, gây nhiễm trùng huyết, có thể sốc nhiễm trùng gây suy đa cơ quan (tim, gan, thận...) dẫn đến tử vong.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.

Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage, hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789).