Hiện nay, dịch sốt xuất huyết diễn biến hết sức phức tạp ở huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Các trường hợp mắc bệnh tăng mạnh và đã có 1 người tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, Trung tâm y tế huyện Ea Súp đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Cán bộ Trung tâm y tế huyện Ea Súp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Trịnh Văn Thế)
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã ghi nhận 13 ổ dịch với 289 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 22,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Các ổ dịch và các trường hợp mắc sốt xuất huyết xảy ra nhiều nhất ở 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số của thị trấn Ea Súp và các xã Cư M’lan, Ea Lê, Cư Kbang…
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ea Súp cho biết: Nguyên nhân các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tăng mạnh là do thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều nhưng khí hậu lại nóng bức, rất thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh đó, Ea Súp là huyện biên giới, có địa bàn rộng với dân số khoảng 76.000 người, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư tự do vào sinh sống, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời ở các xã biên giới của huyện như Ia Lốp, Ia R’vê, phần lớn người dân từ tỉnh Bến Tre lên sinh sống, đến nay nhiều hộ dân vẫn còn thói quen sử dụng thùng phuy, lu, chậu để hứng nước mưa phục vụ sinh hoạt hằng ngày… tạo môi trường thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.
Trong khi đó, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân còn thấp, thậm chí còn tình trạng chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch sốt xuất huyết nói riêng.
Ngoài ra, theo chu kỳ cứ 3 năm dịch sốt xuất huyết bùng phát một lần và năm nay được dự báo là chu kỳ của đỉnh dịch mới.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Trung tâm y tế huyện Ea Súp đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch như chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh xã, nhất là các xã có ổ dịch cũ và các thôn, buôn, tổ dân phố đang có các trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Đồng thời Trung tâm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động người dân tham gia phát quang cây cỏ, bụi rậm, thu gom phế liệu, giữ vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy trong nhà và khu dân cư, không để muỗi truyền bệnh sinh sôi, nảy nở. Các xã, thôn, buôn trên địa bàn đồng loạt tổ chức ra quân chiến dịch truyền thông lưu động phòng, chống sốt xuất huyết nhằm chuyển tải kịp thời các thông tin tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng, chống đến các thôn, buôn, tổ dân phố giúp người dân nâng cao ý thức và tự giác tham gia phòng, chống dịch.
Người dân huyện Ea Súp ra quân dọn vệ sinh phòng, chống sốt xuất huyết. (Ảnh: Trịnh Văn Thế)
Đặc biệt, hằng ngày, Trung tâm y tế huyện chỉ đạo cán bộ chuyên trách sốt xuất huyết của huyện thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sốt xuất huyết tại khu điều trị, cũng như các trường hợp ghi nhận mắc sốt xuất huyết ở thôn, buôn, tổ dân phố tại các xã, thị trấn; thực hiện tốt công tác giám sát chủ động như giám sát véc-tơ, giám sát ca bệnh ở những ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức phun hóa chất trong các khu vực có ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, khu vực đông dân cư, nơi có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết... Đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất để thực hiện xử lý ổ dịch không để dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng.
Để kịp thời thu dung và điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế thấp các các trường hợp tử vong, Trung tâm y tế huyện Ea Súp còn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết và tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ y tế từ huyện đến xã tham gia chẩn đoán, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ea Súp, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Viết Hữu thì khó khăn nhất của ngành y tế huyện hiện nay là thiếu nguồn nhân lực, nhất là thiếu bác sĩ. Toàn ngành y tế huyện hiện có 199 y, bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh… nhưng chỉ có 24 bác sĩ, trong đó có 7 bác sĩ công tác ở các trạm y tế xã, tại Trung tâm y tế huyện chỉ có 17 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ làm lãnh đạo trung tâm, 3 bác sĩ y học cổ truyền, 1 bác sĩ y tế dự phòng, 1 bác sĩ làm trường phòng nghiệp vụ, còn lại 9 bác sĩ làm chuyên môn.
Trong khi đó, theo quy định Trung tâm y tế huyện phải có 25 bác sĩ mới bảo đảm công tác khám chữa bệnh. Do thiếu nhân lực nên gây áp lực rất lớn cho lãnh đạo Trung tâm y tế huyện và đội ngũ y, bác sĩ trong huyện.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu cho biết: Nguyên nhân thiếu bác sĩ là do những năm gần đây nhiều bác sĩ công tác trên địa bàn huyện đã xin chuyển công tác hoặc bỏ việc. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thì ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng.
Mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng; loại bỏ và lật úp các vật liệu phế thải gây đọng nước ở quanh nhà như chai, lọ, lốp xe cũ; giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế nơi muỗi ẩn nấp, sinh sản muỗi truyền bệnh… Đặc biệt, khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà, tránh nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với trẻ em.
Nguồn Tin: